Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 24-4-25 15:45:27

50 năm thống nhất đất nước: Ngày 24-4-1975 - Bao vây Sài Gòn trên các hướng

0

Trong đêm 24-4, các lực lượng ta đánh chiếm Bàu Nâu và trụ lại để đánh Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn, đồng thời ta tổ chức cắt đường 22, kiểm soát đoạn lộ từ Tây Ninh về Sài Gòn.

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa

Báo cáo tổng hợp ngày 24-4-1975 của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo - Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn về hoạt động của Quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam in trong cuốn “Về Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” viết: "Tính đến 6 giờ sáng ngày 24-4-1975, tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt. Mức độ hoạt động gia tăng lên 121 vụ so với ngày hôm trước. Phần lớn các hoạt động này là pháo kích (80 vụ), tấn công (19 vụ)."

Trên thực tế, lực lượng của ta duy trì áp lực mạnh tại Long An và tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đánh phá đồn bốt của địch tại Quân khu 4, nhất là tại Kiến Phong, Định Tường và An Xuyên.

Tại Long An, ta tấn công một phân chi khu ở quận Rạch Kiến và 6 đồn bốt ở các quận Bến Lức, Rạch Kiến và Cần Giuộc, khiến cho phân chi khu ở quận Rạch Kiến và 4 đồn bốt bị mất liên lạc.

Tại Quân khu 4, ta tấn công 9 vị trí của địch tại Kiến Phong, Định Tường, Gò Công và An Xuyên gây cho 1 vị trí ở phía Bắc quận lỵ Hồng Ngự (Kiến Phong) bị mất liên lạc. Ngoài ra, ta còn tiếp tục pháo kích với mức độ cao vào sân bay Biên Hòa….

Ngày 24-4-1975, nhiều sứ quán phương Tây ở Sài Gòn đã đóng cửa. Các công ty hàng không quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động.

Trước tình thế diễn biến bất lợi, Mỹ đề nghị ta ngừng bắn và thương lượng. Tổng thống Ngụy quyền Trần Văn Hương cử đại diện đến xin gặp phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện ý đồ trên.

Bộ Chính trị nhận định: Đây là một âm mưu mới của Mỹ nhằm “tìm cách trì hoãn cuộc tấn công của ta vào Sài Gòn, lập ra Chính phủ mới, hy vọng đi đến một giải pháp chính trị, cứu vãn tình thế của chúng khỏi thất bại hoàn toàn.”

Cũng trong ngày 22-4, đồng chí Lê Ðức Thọ điện ra Bộ Chính trị nói rõ tình hình ta và địch từ sau ngày đánh Xuân Lộc: Mười sư đoàn của ta vừa vào tới chiến trường, dù gặp một số khó khăn nhưng quyết tâm của mặt trận là vừa đánh vừa bổ sung, hết sức cố gắng bảo đảm những điều kiện tối thiểu để mở màn chiến dịch.

Ðịch chưa phán đoán được cách đánh của ta, bố trí ngăn chặn từ xa và có kế hoạch phá cầu nếu không giữ nổi. Ta đang chuẩn bị khẩn trương cho kế hoạch tiến công và nổi dậy.

Dự kiến, trong tình huống xấu nhất, như địch phá cầu, quân ta có kế hoạch khắc phục làm cầu hoặc tác chiến trong điều kiện không có xe tăng và pháo binh…

ttxvn-2104-chien-dich-ho-chi-minh-26.jpg
Các chiến sỹ đoàn Khe Sanh ngụy trang xe trước khi tiến công vào Sài Gòn

Cho đến lúc này, ta đã bao vây thành phố Sài Gòn-Gia Định trên tất cả các hướng, cách nội đô Sài Gòn trên dưới 50km, chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công và bí mật đưa một bộ phận lực lượng áp sát mục tiêu. Quân dân ta đã hoàn thành việc tập kết lực lượng, phương tiện chiến tranh tạo thế trận với sức mạnh áp đảo, bảo đảm chắc thắng.

Bộ chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu của Miền tiến công vào Sài Gòn, với quyết tâm Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa đánh sập toàn bộ đầu não ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn.

3 giờ sáng 24-4, lực lượng Quân đoàn 2 cơ bản đã tới vị trí tập kết chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ở Tây Ninh, đến ngày 24-4, sau 20 ngày tiến hành, toàn tỉnh đã vận động 4.000 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng thành 9 tiểu đoàn và 13 đại đội độc lập mới để tăng cường cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các huyện.

Tại đây, trong đêm 24-4, các lực lượng ta đánh chiếm Bàu Nâu và trụ lại để đánh Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn, đồng thời ta tổ chức cắt đường 22, kiểm soát đoạn lộ từ Tây Ninh về Sài Gòn.

Tại Thủ Dầu Một, khi các đơn vị của Quân đoàn 3 tới tập kết chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dân ở đây đã chuẩn bị lương thực và giúp đỡ bộ đội tiến công địch.

Ở hậu phương miền Bắc, nhân dân sôi nổi và phấn khởi hướng về miền Nam. Trong 4 tháng đầu năm 1975, hậu phương miền Bắc đã bổ sung cho tiền tuyến hơn 110.000 cán bộ, chiến sỹ; 230.000 tấn vật chất các loại.

Từ miền Bắc, Đảng và Chính phủ còn cử hàng vạn cán bộ dân chính đảng đến các vùng mới giải phóng để tăng cường cho đảng bộ và chính quyền ở các địa phương, thực hiện ổn định đời sống nhân dân ở các vùng mới giải phóng./.

Theo TTXVN

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU