Chuyển đổi số là một yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng trở nên cấp thiết đối với các báo ở Việt Nam, trong đó các báo Đảng địa phương cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh báo chí ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và sự bùng nổ của thông tin trên mạng, việc sớm áp dụng mô hình “Tòa soạn hội tụ” và chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại. Tại Đông Nam Bộ, nơi báo chí luôn thể hiện tính năng động, các cơ quan báo Đảng địa phương cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của cuộc cách mạng số để bảo đảm phát triển mạnh mẽ hơn đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả và bền vững.
Thuận lợi và thách thức
Mô hình tòa soạn hội tụ không còn là mới mẻ với các báo Đảng địa phương, mặc dù mỗi tòa soạn báo có những cách làm khác nhau, không hoàn toàn đồng nhất. Do đặc điểm tình hình về nhân sự (nguồn lực, tư duy…), tài chính, tính pháp lý, mức độ quan tâm… mà mỗi cơ quan báo Đảng chọn cho mình hướng đi phù hợp để vừa “cải sửa” vừa phát huy được hiệu quả cao nhất trong điều kiện đa số nhân lực và phương tiện, trang thiết bị làm báo có xuất phát điểm từ báo in truyền thống. Do vậy có thể nói mô hình tòa soạn hội tụ và quá trình chuyển đổi số tại các Báo Đảng địa phương đang diễn ra đầy sôi động và mang tính lịch sử. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc bảo đảm tính năng động, hiện đại và phản ánh nhanh nhạy hơn tình hình ở các địa phương.
Đối với khu vực Đông Nam bộ, các báo Đảng địa phương đang trải qua một giai đoạn quan trọng của sự phát triển, trong đó việc thúc đẩy mô hình tòa soạn hội tụ và chuyển đổi số là yếu tố quyết định. Tại khu vực này, các cơ quan báo Đảng địa phương đã nhận thức rõ về sự cần thiết của việc áp dụng mô hình trên để tối ưu hóa hoạt động báo chí đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của độc giả. Chính vì vậy, mô hình tòa soạn hội tụ đã giúp các báo Đảng địa phương tự đổi mới và tạo ra một sự tập trung mạnh mẽ hơn từ các phòng ban chuyên môn. Sự tập trung này không chỉ tạo ra sự linh hoạt trong quản lý, mà còn giúp cải thiện hiệu suất công việc và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên. Nhờ vào việc cơ cấu lại và tối ưu hóa các bộ phận, tòa soạn có thể đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu từ độc giả và cung cấp nhiều nội dung đa dạng, từ bản tin thời sự đến các bài viết phân tích sâu về các vấn đề quan trọng. Các báo đi đầu áp dụng mô hình này có thể kể đến như Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Đồng Nai, Báo Bình Dương, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo & Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước…

.png)
Những năm gần đây, chuyển đổi số đang diễn ra khá mạnh mẽ tại Báo Đảng Đông Nam Bộ. Các bài viết và thông tin được trình bày trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm cả báo điện tử phiên bản PC và ứng dụng di động, đã tạo ra một cầu nối tốt hơn giữa báo và độc giả. Điều này giúp tăng cường sự tham gia và tương tác của người đọc, đồng thời mở cửa cho các hình thức mới của truyền thông như video, podcast và các nội dung đa phương tiện. Việc số hóa các kỳ báo in, các tư liệu xuất bản… để phục vụ bạn đọc một cách thuận tiện và nhanh chóng, chính xác hơn cũng đã sớm được thực hiện mà điển hình đi đầu là Báo Sài Gòn Giải phóng đã sớm hoàn tất số hóa tất cả các nội dung báo in từ khi báo ra đời cho đến nay.
Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ quan báo chí trong nước, trong quá trình thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ và chuyển đổi số, bên cạnh những nỗ lực mang lại kết quả bước đầu thì vẫn còn không ít thách thức cho các Báo Đảng Đông Nam bộ. Sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, mô hình tòa soạn và quy trình xuất bản báo đa phương tiện chưa có tiền lệ đòi hỏi sự thích nghi của đội ngũ người làm báo vốn được đào tạo gốc và có phần lớn thời gian, kinh nghiệm tích lũy từ làm báo in truyền thống. Để bảo đảm rằng mô hình hoạt động tốt, cần phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực để họ có đủ kỹ năng và kiến thức làm việc với công nghệ mới, đó là chưa kể việc cực kỳ quan trọng đầu tiên là phải thay đổi tư duy. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện truyền thông trực tuyến, sự bùng nổ của mạng xã hội, sự thay đổi khá đa dạng và thậm chí chóng vánh về thị hiếu của một bộ phận không nhỏ bạn đọc, nhất là giới trẻ cũng đặt ra áp lực lớn cho báo chí truyền thống như báo Đảng địa phương. Song song đó, việc duy trì tính chính thống đồng thời phải nhanh nhạy, đa dạng và thu hút, bắt mắt cũng là một thách thức nữa cho các cơ quan báo Đảng địa phương khi chuyển đổi sang phiên bản số. Điều này đặt ra một loạt yêu cầu về bảo đảm chất lượng và quản lý dữ liệu, đồng thời cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, phù hợp với đặc thù báo Đảng để thu hút độc giả trên các nền tảng số…
Những vấn đề cần quan tâm
Để thực hiện tốt hơn mô hình tòa soạn hội tụ gắn với công tác chuyển đổi số báo chí theo lộ trình, mục tiêu của Chính phủ, từ thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra để các cơ quan báo Đảng địa phương cần quan tâm như:
- Về tài chính và nguồn lực: Tài chính luôn là một phần quan trọng đối với bất kỳ hoạt động nào và trong lĩnh vực báo chí, đây là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh các cơ quan báo Đảng địa phương đang đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo quy hoạch báo chí toàn quốc. Để áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ và chuyển đổi số hiệu quả, các cơ quan báo Đảng địa phương cần sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong và tối ưu hóa nguồn lực tài chính một cách khoa học nhất. Trong đó, Nhà nước và các cơ quan chủ quản báo chí cần xem xét việc hỗ trợ tài chính để bảo đảm báo Đảng địa phương có khả năng đầu tư vào các công nghệ thông tin và hạ tầng cơ bản, thiết yếu nhất.
- Về nhân lực và đào tạo: Đào tạo là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các cơ quan báo Đảng địa phương cần đầu tư trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật phù hợp cho đội ngũ người làm báo vốn có xuất phát điểm từ các sản phẩm, công nghệ, phương tiện truyền thống. Không chỉ đào tạo về công nghệ, kỹ năng tác nghiệp mà còn về tổ chức sản xuất nội dung và trách nhiệm xã hội của báo chí số. Tất nhiên, vấn đề cần quan tâm trước tiên là thay đổi tư duy làm báo phù hợp với môi trường số hóa.
- Về mặt pháp lý: Nhà nước cần bảo đảm hành lang pháp lý, sự chặt chẽ, bài bản với các chiến lược, kế hoạch, quy định, văn bản hướng dẫn… vừa đồng bộ vừa kịp thời với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, bảo đảm cho các cơ quan báo Đảng địa phương chuyển đổi số mạnh mẽ, không bị chậm nhịp.
- Về chất lượng nội dung: Việc duy trì tính chính thống, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo Đảng và bảo đảm chất lượng nội dung tuyên truyền song hành với chuyển đổi số là một ưu tiên quan trọng. Vì vậy, về phía các cơ quan báo Đảng địa phương cũng cần duy trì tiêu chuẩn cao hơn cho công tác nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin đan xen, đa chiều, bùng nổ mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc tổ chức thông tin để bảo đảm tính chính thống, chính xác và trách nhiệm xã hội.
Một số kiến nghị, đề xuất
Từ thực trạng trên và những vấn đề đặt ra, có thể đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo Đảng địa phương nói chung và báo Đảng Đông Nam bộ nói riêng:
- Tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác: Các cơ quan báo Đảng địa phương có thể hợp tác để chia sẻ tài nguyên số và kinh nghiệm xây dựng tòa soạn hội tụ, công tác chuyển đổi số vốn còn đang mới mẻ, chưa có tiền lệ. Việc này có thể giúp giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số ở mỗi tòa soạn báo. Tại các cuộc hội thảo báo chí tổ chức ở TP.HCM, Bình Phước và Đồng Nai trong tháng 9-2023 và năm 2024, vấn đề này đã được nêu ra đối với các báo Đảng Đông Nam bộ và đã được sự đồng thuận khá cao từ những người trong cuộc.
- Cần sự hỗ trợ về tài chính: Mặc dù có những thuận lợi hơn so với nhiều nơi khác về mặt khai thác nguồn thu, kinh tế báo chí nhưng các báo Đảng địa phương Đông Nam bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về khả năng tự chủ, nhất là trong tự chủ đầu tư phát triển sự nghiệp. Thậm chí, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay và sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông mới nên tình hình thu dịch vụ của các báo Đảng Đông Nam bộ còn gặp khó khăn hơn trước đó. Do vậy, Nhà nước (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, cơ quan chủ quản…) cần xem xét việc hỗ trợ tài chính đủ cho các cơ quan báo Đảng địa phương trong quá trình chuyển đổi số. Điều này có thể bao gồm cung cấp vốn “khởi nghiệp” và hỗ trợ kỹ thuật.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo: Như đã nói trên, cần có kế hoạch, lộ trình tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng liên tục cho người làm báo Đảng địa phương để nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ và truyền thông số.
- Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung: Xây dựng chiến lược để nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền và bảo đảm tính chính thống, vai trò của cơ quan báo Đảng luôn đáng tin cậy nhưng cũng phải kịp thời, nhanh nhạy và đa dạng trên mọi nền tảng số là một yêu cầu sống còn. Có như vậy, các cơ quan báo Đảng Đông Nam bộ mới bảo đảm “sứ mệnh” của mình trong giai đoạn mới, thậm chí là tiên phong trên một số lĩnh vực chuyển đổi số như truyền thống đã làm lâu nay…
Dẫu sao đi nữa, mô hình tòa soạn hội tụ là một bước khởi đầu quan trọng và cũng là điểm nhấn trong quá trình chuyển đối số báo chí mà các báo Đảng địa phương khu vực Đông Nam bộ đã và đang bước đi. Tính đến nay, chưa có những kinh nghiệm hay mô hình phù hợp hoặc hình mẫu nào được đúc kết nhưng tin rằng với sự năng động, sáng tạo vốn có của mình và thậm chí là trước áp lực sẽ biến thành động lực, các báo Đảng Đông Nam bộ sẽ tiến bước nhanh hơn, hiệu quả hơn trong lộ trình chuyển đổi số báo chí quốc gia mà Chính phủ đã ban hành.
Q.M