Hotline: 0274 383 347
Thứ hai, 28-4-25 17:06:52

Hồ sơ tư liệu

Hotline: 0274 383 347

Chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc

0

Thông điệp Liên bang 2020 của Tổng thống Donald Trump đã phản ánh cuộc đấu sát ván giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Sự căng thẳng giữa hai chính đảng ở Mỹ là kết quả nhiều tháng xung đột về cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump.

Ngày 4-2, trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ, ông Donald Trump đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 3 và có thể là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống. Tổng thống Donald Trump được sự đón nhận nồng nhiệt của các thành viên phía Cộng hòa trong Quốc hội, với nhiều người hô hào “4 năm nữa”, trong khi phía Dân chủ đứng im lặng.

Trong bài diễn văn, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ nay “mạnh mẽ hơn bao giờ hết” và đưa ra hình ảnh thăng tiến của quốc gia dưới sự lãnh đạo của ông khi nói rằng: “Kẻ thù của Hoa Kỳ đang bỏ chạy, sự thịnh vượng đang gia tăng và tương lai Hoa Kỳ sáng chói”.

“Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, chúng ta đã chặn đứng sự suy thoái của Hoa Kỳ và chúng ta bác bỏ việc chấp nhận sự co cụm của tương lai quốc gia. Chúng ta đang đi tới tương lai với tốc độ nhanh không thể tưởng tượng được, so với thời gian ngắn trước đây và chúng ta sẽ không quay đầu trở lui!”, Tổng thống Trump khẳng định.

Khoảnh khắc bà Nancy Pelosi chìa tay ra với ông Donald Trump.

Để minh chứng cho những điều này, ông Trump dẫn ra những thành công kinh tế, gồm cả mức thất nghiệp thấp, nhấn mạnh là điều này đã giúp cho thành phần lao động và trung lưu. Sau đó, Tổng thống cáo buộc đảng Dân chủ mềm mỏng với “tội phạm nguy hiểm người nước ngoài” và tìm cách phá hoại hệ thống chăm sóc y tế. Tổng thống Trump cũng nhắc lại các lập trường cứng rắn của ông về mặt di trú, đặc biệt là việc xây tường biên giới, cùng là chủ trương bảo vệ quyền giữ súng, một điều được phía đảng Cộng hòa coi là rất quan trọng.

Nhiều dấu hỏi đã được đặt ra đối với Tổng thống Donald Trump và thủ lĩnh đảng Dân chủ ở Quốc hội, bà Nancy Pelosi trong buổi đọc Thông điệp Liên bang tối ngày 4-2, với việc ông Trump từ chối bắt tay khi bà Chủ tịch Hạ viện đưa tay ra, rồi sau đó bà Pelosi xé toạc bản sao Thông điệp Liên bang của tổng thống trước lưỡng viện Quốc hội. Sau đó, bà Pelosi chỉ giới thiệu Tổng thống Trump bằng lời nói sơ sài, bỏ qua những danh từ trịnh trọng vẫn thường thấy trước đây.

Tổng thống Trump đã tránh nói đến cuộc luận tội ông trong bài diễn văn dài 80 phút nhưng những vết sẹo từ trận chiến giữa hai đảng hằn rõ với hình ảnh những người Cộng hòa liên tục đứng dậy tán thưởng phát biểu của tổng thống, trong khi phần lớn những người Dân chủ đối lập vẫn ngồi im.

Trong cuộc họp kín với các nghị sĩ đảng Dân chủ sáng 5-2, bà Pelosi chỉ trích Thông điệp Liên bang 2020 là “một nỗi nhục” và có quá nhiều sự giả dối. “Ông ấy đã xé nát sự thật nên tôi xé bài phát biểu của ông ấy”, bà Pelosi nói. Trong khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích Chủ tịch Hạ viện vì xé Thông điệp Liên bang ngay giữa quốc hội.

Thời khắc Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi xé bản sao diễn văn ngay sau khi ông Donald Trump kết thúc đọc Thông điệp Liên bang, ngày 4-2.

Thông điệp Liên bang của ông Trump phát đi ngay vào một thời điểm mang tính đột phá. Sau một thời gian bị luận tội bầm giập, ông được tuyên trắng án vào ngày 5-2. Ông được các thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa bênh vực, những người đã vận động bảo vệ Tổng thống suốt 9 tháng ròng trước khi ông Trump yêu cầu cử tri cho mình thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng.

Cũng như 2 tổng thống từng bị xét xử luận tội trước đây, ông Trump, 73 tuổi, thoát hiểm trong phiên xử luận tội tổng thống lần thứ ba của lịch sử Hoa Kỳ và trong chương đen tối nhất của nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của chính mình.

Ông Trump được trắng án trên 2 điều khoản luận tội mà Hạ viện do phe Dân chủ nắm đa số đã thông qua ngày 18-12-2019. Theo Hiến pháp, để truất phế Tổng thống cần đạt được đa số 2/3 phiếu đồng thuận truất phế tại Thượng viện gồm 100 thành viên. Thượng viện đã biểu quyết với tỷ lệ 52-48 để tha bổng cho ông Trump về cáo trạng lạm dụng quyền hành xuất phát từ việc ông yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình là Joe Biden.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney đứng về phe Dân chủ trong việc bỏ phiếu buộc tội Tổng thống về cáo trạng này. Không một thượng nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump.

Đây là thắng lợi lớn nhất của ông Trump trước phe Dân chủ tại Quốc hội. Phe Dân chủ cho biết sẽ tiếp tục các cuộc điều tra và đang tranh đấu để được tiếp cận giấy tờ tài chính của ông Trump, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các dữ kiện thực tế được phơi bày sẽ giúp thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho ông Trump thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Tỷ lệ chấp thuận Tổng thống Trump tương đối nhất quán trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông và trong suốt quá trình xét xử luận tội ông vì các ủng hộ viên bảo thủ cốt lõi vẫn trung thành với ông. Trong các phiên xét xử luận tội tổng thống trước đây, cựu Tổng thống Andrew Johnson được trắng án vào năm 1868 và cựu Tổng thống Bill Clinton được tha bổng vào năm 1999.

Ngày 3-2, đảng Dân chủ bước vào cuộc bầu cử sơ bộ chọn người ra chạy đua vào Nhà Trắng với ông Trump. Cuộc bầu chọn ứng cử viên này mở màn tại bang Iowa đã diễn ra trong bầu không khí khá lộn xộn, gây tranh cãi cùng kết quả ngoài dự kiến. Đây là một sự khởi đầu nan vất vả của phe Dân chủ trong cuộc đua còn dài nhất là khi ứng viên đương kim Tổng thống Donald Trump tiếp tục trên thế thượng phong. Chủ nhân Nhà Trắng đang trên đỉnh cao tín nhiệm với 49% ý kiến ủng hộ.

Theo CAND

Từ khóa: hồ sơ tư liệu

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Nóng “đường đua” vào Nhà Trắng

Ngày 25-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động cuộc đua tái tranh cử chưa từng có tiền lệ với lời kêu gọi người Mỹ chọn ông một lần nữa để “cứu vãn nền dân chủ”.

Cú huých 6 tỉ USD của ông Biden ở Bắc Ailen

Ông Joe Biden đã treo khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD trước mặt các nhà lãnh đạo Bắc Ireland với lời hứa sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước với sự đầu tư của Mỹ nếu việc chia sẻ quyền lực được khôi phục.

Ấn Độ: Ông Rahul Gandhi vạ miệng

Một phiên tòa đang gây chú ý mạnh trong dư luận Ấn Độ, bị can trong vụ án là một chính khách nổi tiếng, ông Rahul Gandhi, con trai gia tộc Gandhi - gia tộc chính trị lớn nhất Ấn Độ.

“Donald Trump trong mắt bão”

Ngày 30-3-2023 đã đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị truy tố, không những vậy, ông còn là nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính giới Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ với “ngoại giao đường ống” ở Trung Á

Cuộc gặp 3 bên vào tháng 12/2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan đã cho thấy rằng Ankara có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối một vùng Trung Á giàu khí đốt với phương Tây.

Ai đứng sau hỗn loạn chính trị ở Brazil?

Khu liên hợp Ba quyền lực (Three Powers Plaza), nơi có tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống và trụ sở Tòa án Tối cao - biểu tượng 3 nhánh quyền lực của hệ thống chính trị Brazil, đã bị chiếm giữ và đập phá ngày 8/1 vừa qua.

Phe cực hữu Israel gây lo ngại cho đối tác Arab

Cây bút bình luận của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel đã viết rằng Hiệp định Abraham, theo đó Israel được 4 quốc gia Arab, bao gồm cả UAE, công nhận vào năm 2020

Thách thức đang chờ Tổng thống Lula Da Silva

Ngày 1/1/2023, ông Luiz Inacio Lula Da Silva, khi nhậm chức đã giàn giụa nước mắt tuyên thệ đưa đất nước Brazil thoát ra khỏi “thảm họa”

Nhật Bản: Nội các chính phủ lao đao vì bê bối

Những ngày cuối năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại đối mặt với những trở ngại chính trị gay gắt sau khi Bộ trưởng Tái thiết của ông trở thành thành viên thứ tư trong nội các dính bê bối

Israel: Ông Netanyahu thành lập chính phủ cực hữu

Chính phủ liên hiệp cực hữu của ông Benjamin Netanyahu được thành lập vào phút cuối, chỉ vài tiếng trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ.