Hotline: 0274 383 347
Thứ ba, 29-4-25 13:22:34

Dấu ấn vang dội trên vùng đất anh hùng

0

Tân Uyên - vùng đất địa linh nhân kiệt thuộc tỉnh Bình Dương - đã từ lâu là nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một chiến trường trọng yếu, nơi từng tấc đất đều thấm đẫm máu xương và lòng quả cảm của quân dân ta. Đặc biệt, Chiến thắng lịch sử ngày 29-4-1975 tại Tân Uyên là một trong những dấu mốc vang dội, góp phần mở đường cho Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Chiến khu Vĩnh Lợi căn cứ địa cách mạng vững chắc, tạo thế và lực cho quân và dân ta tiến công, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước

 Căn cứ địa cách mạng kiên cường

Do vị trí và địa hình, trong chiến tranh, Tân Uyên đã trở thành vùng đất chiến lược để xây dựng căn cứ kháng chiến, nơi hội tụ và phát triển lớn mạnh của các lực lượng vũ trang cách mạng. Đây cũng là địa bàn đối đầu quyết liệt giữa ta và địch, diễn ra nhiều trận chiến ác liệt nhằm bảo vệ vững chắc Chiến khu Đ - vùng căn cứ địa cách mạng kiên trung của miền Đông Nam bộ.

Trong suốt những năm kháng chiến, quân dân Tân Uyên đã chịu biết bao gian khổ. Địch liên tục càn quét, ném bom, rải chất độc hóa học và lập các ấp chiến lược nhằm bóp nghẹt phong trào cách mạng. Nhưng với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, người dân nơi đây vẫn vững vàng bám đất, giữ làng, cưu mang cán bộ cách mạng và trực tiếp tham gia chiến đấu. Sức mạnh từ lòng dân chính là bức tường thép vững chắc làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định khi ta giành được những thắng lợi vang dội tại Phước Long, Buôn Ma Thuột và Dầu Tiếng vào đầu năm 1975. Cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng, đẩy Mỹ - ngụy rơi vào thế khủng hoảng toàn diện, tạo thời cơ “ngàn năm có một” để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong bối cảnh đó, Tân Uyên trở thành khu tập kết trọng yếu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Từ ngày 24-4-1975, khu vực Tam Đẳng (Bắc Tân Uyên ngày nay) bắt đầu tiếp nhận các đoàn quân chủ lực gồm bộ binh, xe tăng, pháo binh, công binh, phòng không… tiến vào trận địa với khí thế áp đảo, sẵn sàng mở đường tiến về Sài Gòn.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Huyện ủy Tân Uyên dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Phan Tấn Lập, Chín Đàn, Huỳnh Văn Hiệp, Nguyễn Thị Sương, Huỳnh Văn Gần... đã huy động tối đa lực lượng tại chỗ, tổ chức nổi dậy đồng loạt tại các xã, phối hợp chặt chẽ với mũi tiến công của các đơn vị chủ lực. Sáng ngày 29-4-1975, dưới sự chi viện hỏa lực mạnh mẽ từ một bộ phận của Quân đoàn I, quân giải phóng đã tiến công dồn dập vào Chi khu Tân Uyên. Đến 9 giờ 15 phút sáng cùng ngày, Quận lỵ Tân Uyên được giải phóng. Chiều cùng ngày, toàn bộ các xã trong huyện hoàn toàn sạch bóng quân thù. Chính quyền cách mạng được thiết lập, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, tự do, xây dựng quê hương.

Ông Hoàng Văn Hiến, cựu chiến binh (CCB) ở phường Thạnh Phước (TP.Tân Uyên), cho biết: “Cách đây nửa thế kỷ, Tân Uyên - Chiến khu Đ anh hùng là một vùng đất chịu nhiều đau thương dưới ách đô hộ và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cuộc sống của người dân phải chịu muôn vàn khó khăn, cơ cực, nhưng trong lòng mỗi người lính, trong ánh mắt mỗi người dân đều ánh lên một tinh thần bất khuất, một ý chí kiên cường, một niềm tin mãnh liệt: Đất nước sẽ độc lập, nhân dân sẽ được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình và tự do”.

Trực tiếp tham gia vào trận đánh năm đó, ông Hoàng Văn Hiến kể: “Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tại Tân Uyên, các đơn vị chủ lực của Quân đoàn I kết hợp với lực lượng địa phương, từ nhiều phía chúng tôi đã tiến vào giải phóng Tân Uyên với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ, những trận đánh ác liệt, những đêm hành quân dưới mưa rừng và cả những giọt nước mắt hạnh phúc khi lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Tân Uyên ngày 29-4-1975. Đó là ngày mà máu và nước mắt của biết bao đồng đội đã hóa thành ánh sáng tự do mở ra một kỷ nguyên mới cho quê hương Chiến khu Đ anh hùng”.

Là người từng trực tiếp tham gia vào trận đánh ác liệt tại Chiến khu Vĩnh Lợi năm xưa, CCB Nguyễn Chí Công, ở khu phố 4, phường Vĩnh Tân, mong muốn thế hệ trẻ hiểu rõ hơn truyền thống hào hùng của dân tộc qua những trận đánh như chiến thắng Tân Uyên. Ông mong muốn được bồi đắp, giáo dục cho thanh niên về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc nói chung, của tỉnh Bình Dương và của TP.Tân Uyên nói riêng.

Hoa nở trên vùng đất anh hùng

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt từ sau Chiến thắng lịch sử ngày 29-4- 1975, Tân Uyên bước vào thời kỳ mới với bao khó khăn nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Nhân dân Tân Uyên từ khắp nơi nhanh chóng trở về làng xưa, xóm cũ, cùng nhau khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong giai đoạn đầu, nền kinh tế địa phương gặp vô vàn khó khăn, hạ tầng giao thông hư hỏng nặng, trường học, bệnh xá thiếu thốn, đời sống người dân còn nghèo nàn... Vượt qua những tàn phá nặng nề của chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Tân Uyên đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Ban đầu, trọng tâm là phục hồi sản xuất nông nghiệp, khai hoang mở rộng đất đai, ổn định đời sống nhân dân.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Tân Uyên mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - dịch vụ song song với hiện đại hóa nông nghiệp. Các khu công nghiệp như Nam Tân Uyên, VSIP II... ra đời, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hệ thống giao thông, giáo dục, y tế được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.

Đến nay, Tân Uyên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Những thành tựu hôm nay là minh chứng sinh động cho tinh thần kiên cường, đổi mới và sáng tạo không ngừng của Tân Uyên trong suốt chặng đường phát triển, vươn lên...

 Giá trị lịch sử của chiến thắng Tân Uyên

 Chiến thắng ngày 29-4-1975 tại Tân Uyên không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, mà còn là một phần không thể thiếu trong bản hùng ca toàn thắng của dân tộc Việt Nam. Dù thời gian có trôi qua, ký ức về những ngày hào hùng ấy vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau - như một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, của tinh thần quật khởi và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Tân Uyên anh hùng.

Chiến thắng ngày 29-4-1975 tại Tân Uyên góp phần quan trọng trong việc đánh sập hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch, mở toang cánh cửa phía Đông Bắc vào Sài Gòn. Đây là một mắt xích không thể thiếu trong tổng thể Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng này là biểu tượng của tinh thần chiến đấu quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước sắt son của quân và dân Tân Uyên. Từ những lực lượng vũ trang địa phương đến người dân thường, ai cũng sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình cho quê hương.

Tân Uyên với đặc điểm vừa là chiến trường nóng bỏng, vừa là hậu phương tại chỗ, đã thể hiện rõ hiệu quả của chiến tranh toàn dân, toàn diện. Sự phối hợp giữa lực lượng chính quy và dân quân du kích, giữa nổi dậy và tiến công vũ trang là bài học quý báu cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay…

HUỲNH THỦY - VĂN DŨNG

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU