Hotline: 0274 383 347
Thứ ba, 29-4-25 22:14:47

Khoa học công nghệ

Hotline: 0274 383 347

Giải mã bí ẩn về xác ướp nổi bật nhất trong lịch sử nhân loại

0

Oetzi, biệt danh được đặt cho xác ướp trong băng. (Nguồn: AP)

Khi nhận được tin báo về một xác chết đông cứng trên dãy núi Alps hồi tháng 9/1991, cảnh sát đã mở một cuộc điều tra hình sự. Đó quả thực là một vụ án mạng, nhưng tội ác đã xảy ra từ cách đây rất lâu.

Theo AFP, thi hài của người đàn ông được những người leo núi phát hiện cách đây 25 năm ở gần biên giới Áo-Italy thực ra đã trút hơi thở cuối cùng từ hơn 5.000 năm trước.

Oetzi, biệt danh được đặt cho xác ướp trong băng này đã trở nên nổi tiếng, cung cấp những hiểu biết khoa học vô giá mà một phần tư thế kỷ sau vẫn còn nguyên giá trị.

"Đây là một trong những phát hiện xác ướp nổi bật nhất trong lịch sử của nhân loại", Angelika Fleckinger, giám đốc bảo tàng Bolzano ở Italy, nơi xác ướp đang được trưng bày cho biết.

"Xác ướp này là cánh cửa độc đáo mở ra thời kỳ tiền sử, và cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin," bà chia sẻ với AFP.

Oetzi qua đời vào khoảng năm 3.350-3.100 TCN, khi di tích Stonehenge ở Anh và những kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập vẫn còn vài trăm năm nữa mới xuất hiện.

Ông đã sống ở cuối thời đồ đá mới hoặc thời đồ đồng, thời kỳ các hoạt động khai mỏ và luyện đồng từ vùng Cận Đông phổ biến đến châu Âu đã thay đổi cơ bản xã hội loài người.

Có lẽ chính những biến động này là lý do dẫn đến cái chết của ông. Năm 2001, các nhà khoa học tìm thấy một đầu mũi tên găm vào vai Oetzi, cho thấy ông đã bị bắn từ đằng sau.

Nhiều khả năng ông đã chết vì mất máu sau vài phút và có thể đã nhận một cú đánh chí mạng vào đầu. Khám nghiệm dạ dày cho thấy Oetzi đã có ít nhất một bữa ăn thịnh soạn với món dê rừng nướng khoảng 12 tiếng trước khi bị giết.

Và việc Oetzi bị giết trên đỉnh núi tuyết đã cho phép thi thể ông được bảo quản tốt và giúp các nhà khoa học có được những nghiên cứu chi tiết.

Không giống các xác ướp cổ đại khác, Oetzi vẫn còn "ướt," tứng là các tế bào của thi thể vẫn còn giữ nước, và cơ thể chưa bị tác động bởi các nghi lễ mai táng.

Những phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy Oetzi bị chứng không dung nạp lactose và có khuynh hướng bị bệnh tim di truyền căn cứ vào các động mạch bị cứng của thi thể - một căn bệnh trước đây từng được cho là thuộc về thời hiện đại.

30 loại phấn hoa tìm thấy trong ruột và thành phần đồng vị của men răng cho thấy Oetzi sống ở phía nam dãy Alps.

Ông xuất thân từ một phân nhóm di truyền hiện cực kỳ hiếm gặp ở châu Âu, nhưng lại khá phổ biến ở Corsica và Sardinia, nghĩa là những người ở đây có cùng tổ tiên với Oetzi.

Albert Zink, giám đốc Viện nghiên cứu xác ướp và xác ướp băng EURAC ở Bolzano cho biết nghiên cứu vi khuẩn trong dạ dày của Oetzi có thể thúc đẩy những tiến bộ trong y học hiện đại.

Ví dụ, ruột của Oetzi có chứa H. pylori, một vi khuẩn có trong ruột của một nửa dân số thế giới hiện nay, và có khả năng gây viêm loét dạ dày, thậm chí ung thư.

"Có lẽ đây từng là một loại vi khuẩn tích cực giúp tiêu hóa thịt sống, rồi sau đó biến thành một tác nhân gây bệnh", Zink chia sẻ với AFP. "Các bác sỹ đang rất quan tâm tới nghiên cứu của chúng tôi."

Khi qua đời, Oetzi khoảng 46 tuổi, tức là đã sống khá thọ so với mặt bằng chung thời đó. Cơ thể của ông cũng không có mỡ thừa, chứng tỏ là ông khá khỏe mạnh. Ông có đôi mắt màu nâu, râu quai nón và tóc dài, cùng 61 hình xăm.

Tuy nhiên, những hình xăm này không phải để làm đẹp mà là để chữa bệnh. Chúng có vị trí tương ứng với những điểm áp lực được sử dụng trong châm cứu ngày nay.

Trước khi Oetzi được phát hiện, kỹ thuật châm cứu này được cho là đã bắt nguồn từ châu Á khoảng 2.000 năm sau thời đại của Oetzi.

Những đồ vật tùy thân mà Oetzi mang theo là một cây rìu và một lưỡi kiếm bằng đồng - những món đồ mà ở thời đại đó có giá trị tương đương iPhone 7 ngày nay - cùng nhiều dụng cụ khác bao gồm một ống tên, một con dao găm, hai loại nấm mọc trên cây, một để nhóm lửa và một để chữa bệnh, và một dụng cụ hình bút chì để vót tên.

Quần áo của Oetzi cũng được bảo quản tốt, bao gồm một chiếc quần bó và áo khoác làm từ da dê, một chiếc mũ lông gấu, đôi giày làm từ vỏ cây, cỏ khô và da hươu, thậm chí là cả một chiếc ba lô và áo choàng.

Oetzi cùng toàn bộ đồ đạc tùy thân của mình đang được lưu giữ trong một tủ trưng bày có hệ thống điều hòa đặc biệt tại Bảo tàng Khảo cổ học miền Nam Tyrol, nơi thu hút 260.000 lượt du khách từ khắp thế giới đến tham quan mỗi năm và luôn có những hàng dài du khách chờ đợi.

"Chúng tôi có thể nói rằng Oetzi đã đưa Bolzano/Bozen lên bản đồ thế giới," Roberta Agosti, cán bộ văn phòng du lịch Bolzano cho biết.

25 năm sau phát hiện về Oetzi, các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm được những điều mới từ xác ướp này nhờ sự ra đời của các công nghệ mới.

Thứ Hai vừa qua, một hội nghị lớn về xác ướp tổ chức tại Bolzano đã công bố những phát hiện mới về Oetzi, bao gồm loại vi khuẩn trong dạ dày của ông và tình huống gây ra cái chết.

Và nếu sự ấm lên toàn cầu có mặt tích cực gì, thì đó chính là việc nó sẽ giúp nhiều báu vật khảo cổ nữa được phát hiện, giống như chiếc giày tuyết được tìm thấy gần khu vực phát hiện Oetzi thậm chí còn già hơn chính xác ướp này tới 500 tuổi.

"Mọi người ngày càng nhận thức được rằng có thể còn có nhiều xác ướp nữa bị chôn vùi trên các dãy núi, và việc những dòng sông băng tan chảy khiến chúng tôi hy vọng điều đó là sự thực," Zink chia sẻ./.

(Theo TTXVN)

Từ khóa: nhân loại

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU): Tiên phong sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Những năm qua, EIU đã đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy và thu hút các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp về Bình Dương

Đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ đề án thành phố thông minh

6 tháng đầu năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành lớp thứ hai và thứ năm trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Sở Khoa học và Công nghệ: Thẩm định 46 hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, 6 tháng đầu năm 2022 công tác quản lý chuyên ngành được triển khai mạnh mẽ.

Phát hiện chất trong bạch mộc hương có khả năng chống ung thư

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện bạch mộc hương (còn gọi là thổ trầm hương), một loài thực vật thuộc họ trầm, có khả năng ngăn các khối u ác tính phát triển.

Xuất hiện virus “siêu cảm lạnh” với các triệu chứng giống COVID-19

Theo các chuyên gia, giai đoạn dài không bị phơi nhiễm với các loại virus do biện pháp phong tỏa khiến hệ hô hấp quen với điều này, gián tiếp dẫn tới hệ miễn dịch suy yếu trước sự tấn công của virus.

Test nước bọt phát hiện COVID-19 nhanh hơn test dịch mũi họng

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ở giai đoạn đầu nhiễm virus SARS-CoV-2, xét nghiệm nước bọt nhạy hơn nhiều so với dịch mũi họng, nhất là trước khi có triệu chứng.

Nguyên nhân khiến ca nhiễm tăng đột biến tại New Zealand và Hong Kong

Nghiên cứu các kết quả giải trình tự gene của SARS-CoV-2 tại New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy nguyên nhân chính khiến virus này tiếp tục lây lan là nhờ vào khả năng tiến hóa liên tục.

Vaccine ngừa COVID-19 không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thần kinh

Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận sau khi xem xét và đánh giá tình trạng của hơn 8 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson.

Phát hiện mới về tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ người mẹ mắc COVID-19

Cùng với kết quả dưới 2% trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ mẹ mắc COVID-19, nhóm nghiên cứu Anh không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 và việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Giới khoa học lý giải nguyên nhân dẫn đến hội chứng COVID kéo dài

Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch do nhiễm virus khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công cơ thể, dẫn đến tổn thương thần kinh ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.