Thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể TP.Dĩ An đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, cách làm hiệu quả nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vượt qua mặc cảm, có việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng, quay về nẻo thiện.

Tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng
Theo đại diện Công an (CA) TP.Dĩ An, sau khi người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, CA thành phố hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục cấp đổi căn cước, đăng ký lại hộ khẩu, xóa án tích, cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời, CA thành phố cũng chỉ đạo CA các phường phân công Cảnh sát khu vực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, ban điều hành các khu phố chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. CA thành phố còn phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng nhằm từng bước xóa bỏ định kiến, phân biệt của người dân đối với người lầm lỗi. Từ đó phát động, khuyến khích người dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, CA thành phố cũng chỉ đạo các đội nghiệp vụ, CA các phường trao đổi thông tin các trường hợp thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng có biểu hiện tái phạm tội, vi phạm pháp luật để tiến hành gọi hỏi, răn đe nhằm kịp thời can thiệp để phòng ngừa.
Cùng với ngành CA, từ năm 2021-2024, các ngành chức năng TP.Dĩ An đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá có việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp với đơn vị liên quan tích cực định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm cho 51 lượt phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Phòng Tư pháp thành phố đã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện cập nhật thông tin về tình hình án tích của người chấp hành xong hình phạt tù và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân vay vốn cho 4 người chấp hành xong án phạt tù, với tổng số tiền là 350 triệu đồng, giúp họ có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết trong những năm qua, thành phố luôn xác định tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Các ban ngành, đoàn thể đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ CA địa phương tuyên truyền, quản lý, giáo dục và định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người lầm lỗi có thu nhập ổn định, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Nhiều mô hình hay
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trên, UBND các phường của TP.Dĩ An còn thành lập các mô hình nhằm huy động hệ chính trị cơ sở và sự chung tay của toàn xã hội trong việc giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, 5/7 phường của TP.Dĩ An đã có các mô hình hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, như: Người hoàn lương (phường Bình An); 6+1 (phường Đông Hòa); Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng (phường Tân Đông Hiệp); Con đường sáng (phường Tân Bình), Đồng hành vươn nghị lực (phường An Bình).
Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình 6+1 ở phường Đông Hòa đã trở thành “điểm tựa” giúp người từng lầm lỗi trở về cộng đồng vượt qua mặc cảm để có thêm động lực, niềm tin về một cuộc sống tốt hơn. Theo chính quyền phường Đông Hòa, mô hình 6+1 hiện có gần 90 thành viên, trong đó Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ có 17 thành viên là cán bộ Mặt trận, CA phường, Ban Công tác Mặt trận các khu phố, công chức tư pháp, văn hóa xã hội, lao động - thương binh và xã hội của phường. Năm 2024, Ban Chủ nhiệm mô hình 6+1 phường Đông Hòa đã tổ chức, phân công giúp đỡ 15 người chấp hành xong án phạt tù tại các khu phố. Định kỳ, mô hình tổ chức sinh hoạt nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cũng như kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của từng người lầm lỗi được phân công giúp đỡ. Trong quá trình hoạt động, Ban Chủ nhiệm mô hình đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân không phân biệt kỳ thị, tránh để người lầm lỗi tự ti, mặc cảm với quá khứ dẫn đến tái phạm tội; đồng thời tranh thủ nguồn lực xã hội hỗ trợ giúp đỡ họ học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống. Nhờ sự quan tâm trên, nhiều người lầm lỗi được mô hình 6+1 phân công thành viên giúp đỡ đã vượt qua mặc cảm, có việc làm ổn định, không tái phạm tội. Điển hình trong năm 2024, mô hình đã vận động, hỗ trợ cho một trường hợp có xe máy để đi làm ổn định, tăng thu nhập.
Theo thống kê của Công an TP.Dĩ An, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái phạm tội giảm trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2022 có 10 người tái phạm tội (tỷ lệ 7,2% so với tổng số người chấp hành xong án phạt tù trở về TP.Dĩ An); năm 2023 là 7 người (tỷ lệ 5,6%) và năm 2024 là 3 người (tỷ lệ 2%). Riêng năm 2021 không có người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội. |
NGUYỄN HẬU