Hotline: 0274 383 347
Thứ sáu, 18-7-25 04:11:29

Hai người đàn ông tình nguyện dẫn học sinh qua đường

0

Bất kể nắng hay mưa, hễ học sinh tới trường là ông Điều cùng bạn thân lại tình nguyện dắt các em qua ngã tư đường an toàn. Những ngày đầu làm việc này, đã có người gọi họ là "hâm", "khùng".

5h sáng, ông Hồ Văn Điều (55 tuổi, trú xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) thức dậy hái giúp vợ mấy bó rau trong vườn cho kịp buổi chợ. Sau đó, khoác vội chiếc áo, ông sang gọi người bạn thân ra ngã tư "tử thần" gần nhà để dắt học sinh băng qua đường cho kịp giờ học.

Ông Điều đang vừa cõng vừa dẫn một tốp học sinh qua ngã từ đường. Ảnh: Thiên Ân.

Xã Quỳnh Văn có 5 trường từ tiểu học đến trung học phổ thông đều tập trung một chỗ nên mỗi lúc tan trường lượng học sinh đổ ra ngã tư giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường vào trường rất lớn. Từ lâu, nhiều người đã xem nơi đây là điểm đen tai nạn giao thông, nạn nhân chủ yếu là học sinh.

Lo lắng cho các em, suốt 11 năm qua, bất kể mưa hay gió ông Điều đều đặn có mặt ở ngã tư để đưa học sinh qua đường an toàn mỗi ngày bốn lượt. Chính vì thế tai nạn tại đây đã không còn. 

“Đứng nép vào mép đường đi con, mấy đứa đi bộ thì qua đây cầm lấy tay ông, còn mấy đứa đi xe thì xếp hàng thẳng vào. Đợi cái xe tải chạy qua đã rồi chúng ta qua đường mấy đứa nha” là những lời ông Điều liên tục lặp lại.

Hay khi thấy đường đã vắng xe, ông Điều giơ cao chiếc gậy bằng cao su vừa được tặng lên xin đường rồi bảo mấy học sinh nắm tay nhau, còn ông thổi còi ra tín hiệu cho các em cùng băng qua. Có em bị đau chân, ông Điều liền cõng qua đường. Với nhóm học sinh nào cũng vậy, người đàn ông này đều cẩn thận nhắc nhở. Lâu dần thành quen, cứ đến mép quốc lộ là những em nhỏ lại kêu ríu rít gọi ông Điều.

Quệt giọt mồ hôi trên má, ông Điều kể, năm 2004 ông làm bảo vệ cho UBND xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do tai nạn của học sinh mỗi lúc qua đường tới trường. Hình ảnh đó cứ đeo bám khiến ông nhiều đêm thức trắng suy nghĩ giúp các em đi lại an toàn.

Sau đó ông quyết định nghỉ làm bảo vệ ở ủy ban xã và tình nguyện đứng ở ngã tư dắt các em học sinh qua đường. Ngày nào ông cũng có mặt như vậy khiến nhiều người xì xào, có người bảo ông là "lão hâm", "gã khùng" khi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

 “Ban đầu một số em không nghe lời, nhưng tôi cứ kiên trì. Đi giúp các em thì vợ con ở nhà, cả sáu miệng ăn chỉ còn biết trông chờ vào mấy sào ruộng và mảnh vườn trồng rau, nên gặp nhiều khó khăn. Có lúc tôi muốn bỏ để giúp vợ con nhưng rồi không nỡ. Lâu dần giải thích và được vợ đồng cảm nên tôi vẫn tiếp tục giúp các em", ông Điều kể về việc làm của mình.

Không chỉ nhiệt tình mà ông Điều còn rất vui tính, những lúc chờ đợi để qua đường ông còn kể chuyện vui về cuộc sống, về những bài học an toàn giao thông. Lâu dần tất cả học sinh qua đây đều hiểu và nghe lời ông.

Em Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 10B trường THPT Quỳnh Lưu 2 cho biết, từ lúc học tiểu học đã được ông Điều dẫn qua đường. Cho đến nay đã 10 năm hầu như ngày nào em cũng đợi để được ông dắt qua đường mỗi lúc tới trường hay lúc học về. Bây giờ lớn rồi, có thể tự mình qua đường nhưng em vẫn tuân theo hiệu lệnh của ông.

“Chúng em kính trọng bác Điều như một người thầy. Có anh chị giờ đã vào đại học nhưng vẫn hay gọi điện thoại về hỏi thăm, nhiều em còn nhỏ cũng viết thư bày tỏ tình cảm và cảm ơn bác Điều đã luôn dành tình cảm cho chúng em”, Duyên kể.

Bà Trần Thị Loan, một người bán nước ven đường cho biết, thời gian đầu nhiều người bàn tán về việc làm kỳ lạ của ông Điều, nhưng rồi thấy tai nạn giảm, đám học sinh nghe lời ông Điều thì mọi người đã hiểu và khâm phục ông. Thấy hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn, mọi người đã vận động quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ, nhưng ông Điều một mực từ chối.

Năm 2009, biết ông Đặng Viết Cầm (55 tuổi, xã Quỳnh Văn, người bạn thân từ thời còn đi bộ đội) cũng có ý định muốn giúp học sinh, ông Điều liên tục đến thuyết phục. Được bạn động viên, gia đình lại không phản đối nên ông Cầm mạnh dạn chia sẻ công việc với ông Điều.

Có thêm "đồng nghiệp", ông Điều quyết định phân chia địa bàn thành hai điểm, một ở ngã tư xóm 6 do ông phụ trách, còn một ở ngã tư xóm 16 sẽ do ông Cầm đảm nhiệm và căn dặn học sinh chỉ đi qua hai đường trên để đảm bảo an toàn.

Ông Cầm chia sẻ, luôn nhủ lòng rằng sau lưng mình là tính mạng của bao con người nên phải cẩn trọng từng li từng tý, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Nhiều lúc đang ăn cơm trưa, nhưng nghe tiếng lạch cạch của mấy em đạp xe đi học là ông vội bỏ bát xuống, chạy ra đưa các em qua đường xong rồi mới yên tâm quay vào ăn tiếp.

Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn Lê Tiến Uy cho biết, từ lúc có ông Điều và ông Cầm tự nguyện đứng ra dắt học sinh qua đường, đến nay trên địa bàn không còn xảy ra vụ tai nạn thương tâm nào liên quan đến học sinh nữa. Hai ông không những được các em yêu quý mà còn được phụ huynh rất tin tưởng. Nhận thấy hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của hai ông, UBND xã quyết định hỗ trợ cho mỗi người một triệu đồng mỗi tháng.

Theo VNE

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Chơi mà học trong Tết Trung thu

Đồ chơi Trung thu giờ đây rất đa dạng và phong phú. Có tiền thì rất dễ dàng mua được. Nhưng tự tay làm ra được những món đồ chơi mà mình yêu thích thì mới là những trải nghiệm tuyệt vời.

Đừng để sự cô đơn đến ngay từ lúc con mình còn là trẻ thơ

Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ mang đến cho chúng ta mọi thứ, nhưng rất nhiều người trong chúng ta lại dễ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng, không điểm tựa.

Xây dựng ấp, khu phố văn hóa: Nhân rộng những mô hình hay

Để ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, mỗi gia đình phải cùng nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, thể hiện trách nhiệm trong phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Người Hà Nội chung tay xây dựng “nơi đáng sống”

Hà Nội được đánh giá là địa phương đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Mỗi người dân là một “sứ giả du lịch”

Trong hoạt động du lịch, ứng xử văn minh, tạo ra môi trường du lịch thân thiện cũng được coi là một nét văn hóa.

Cùng nhau ứng xử văn minh

Ngay thành phố du lịch mệnh danh là thành phố xanh như Đà Lạt cũng bị du khách xả rác tràn lan, nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng.

Hát cho bệnh nhân tôi nghe

Hát cho bệnh nhân tôi nghe - một chương trình ý nghĩa do các bạn trẻ Huế thực hiện đã diễn ra lần thứ năm, gửi thêm những "liều thuốc" quý cho những người đang khó khăn, đau ốm...

Chiến sĩ công an nhặt được 10 triệu đồng trả lại người mất

Đang làm nhiệm vụ phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, phát hiện ví tiền đánh rơi bên đường, trung sĩ công an nhặt lên và mở ra thấy gần 10 triệu đồng.

Truy tặng “Huân chương dũng cảm” cho học trò nghèo cứu bạn

Nguyễn Anh Tuấn, học sinh lớp 12M Trường THPT Thanh Chương 3 đã dũng cảm quên mình cứu hai người đuối nước bên bến đò Già trên sông Lam, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An ngày 19-7.

Không bao giờ chê trách ai

Hình như là cái tâm phải sáng, cái lòng phải trong, cái tình phải đậm đà người ta mới trở nên bao dung, độ lượng được.