Bài 1: “Chiến khu Đ, nơi khởi đầu cho huyền thoại”
Từ một chiến khu ra đời vào tháng 2-1946, bao gồm 5 xã Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ, Chiến khu Đ đã dần trở thành một căn cứ vững chãi tồn tại qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại vùng Đông Nam bộ mà chính quyền Sài Gòn từng truyền tai nhau câu nói: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.
“Trung tâm kháng chiến”
Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, Chiến khu Đ được hình thành vào tháng 2-1946 với địa bàn ban đầu bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trong từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, phạm vi Chiến khu Đ lại có sự thay đổi. Chiến khu Đ được xem như một “trung tâm kháng chiến”, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như: Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301, Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá vị trí chiến lược của Chiến khu Đ: “Miền rừng núi Đông Nam bộ và Khu VI đối với Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như Khu Căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp”.
Nói đến Chiến khu Đ, hẳn không ai có thể quên cái tên Huỳnh Văn Nghệ. Tên tuổi của ông đi vào tâm thức mọi người như một cán bộ quân sự tài năng, một ngọn cờ của các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người gắn bó ruột rà với quá trình gầy dựng và phát triển Chiến khu Đ. Khi Biên Hòa chìm trong đạn lửa của thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, ông Huỳnh Văn Nghệ là Ủy viên Ủy ban kháng chiến miền Ðông. Ông đã tức tốc vượt sông Ðồng Nai về huyện Tân Uyên xây dựng lực lượng. Từ nhóm vũ trang của ông Nguyễn Văn Quỳ, ông quy tụ lại, huấn luyện và tổ chức họ trở thành đơn vị Vệ quốc đoàn đầu tiên của Biên Hòa. Bà con yêu mến thường gọi là “Bộ đội Tám Nghệ”.
Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, cho biết tháng 12-1945, Nam bộ được chia thành ba chiến khu 7, 8, 9; sau đó khu bộ Khu 7 về đóng tại xã An Lạc, huyện Tân Uyên. Cái tên Chiến khu Ð bắt đầu từ tháng 2-1946, khi Xứ ủy Nam bộ quyết định thành lập Chiến khu Ð gồm địa bàn 5 xã của huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ðây cũng là nơi đóng trụ sở của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính, lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa. Cả một vùng rộng lớn chạy suốt từ bắc Biên Hòa nối với miền Trung Tây nguyên tạo thành căn cứ địa thông sang Liên khu V và hậu phương vững chắc. Và từ đây, ta tổ chức những trận đánh, liên tục giành thắng lợi. Cũng từ mảnh đất này, Huỳnh Văn Nghệ đã trở thành một thi tướng, vừa đánh giặc vừa làm thơ, phản ánh đời sống gian lao và cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân miền Ðông.
Trong đó, trận đánh đầu tiên của Vệ quốc quân Biên Hòa do chính ông Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy phối hợp với các lực lượng vũ trang Châu Thành - Hóc Môn - Gia Ðịnh - Bình Xuyên đêm 1-1- 1946, rạng sáng ngày 2-1- 1946 đánh vào TX.Biên Hòa đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ quân dân miền Ðông anh dũng chống thực dân Pháp. Tháng 6-1946, ông là Chi đội trưởng Chi đội 10 lực lượng vũ trang chủ lực của Biên Hòa với 1.100 chiến sĩ, hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Tân Uyên sang Long Thành, Châu Thành, Xuân Lộc. Từ cái nôi của quê hương Tân Tịch và Đất Cuốc, với tài thao lược, đánh đâu thắng đó, ông đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển lên căn cứ kháng chiến, bao gồm cả một vùng rừng núi của huyện Tân Uyên và Vĩnh Cửu.
Chiến khu Đ cũng là nơi ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19-3-1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có những trận đánh tiêu biểu, như: Trận Bảo Chánh (5-1947), Trảng Táo (6-1947), Bảo Chánh 2 (6- 1947), Bàu Cá (7-1947), Đồng Xoài (12-1947), La Ngà (3- 1948), trận tấn công Tiểu khu Phước Thành (9-1961), trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa (10-1964)... Đặc biệt, đây là nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4- 1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tồn tại gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương: “Có nhiều cách giải thích cho tên gọi Chiến khu Đ. Đ là chữ cái đầu viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ điểm đầu tiên, tập hợp lực lượng, mở trại huấn luyện ngay trong ngày đầu kháng chiến. Đ là mật danh chỉ vị trí tổng hành dinh của Khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ quân sự được tính theo thứ tự các chữ cái A, B, C... Đ là chữ cái viết tắt từ chỉ tính chất cách mạng của chiến khu (Chiến khu Đỏ, Chiến khu Đảng) để phân biệt với căn cứ một số ít lực lượng vũ trang không cách mạng lúc bấy giờ. Đ là chữ viết tắt của Chiến khu Đồng Nai, Chiến khu Miền Đông, chiến khu đầu tiên...”. |
Dấu son trong trang sử oai hùng
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, có rất nhiều người tìm về Khu di tích Chiến khu Đ ở xã Đất Cuốc và Khu tưởng niệm Huỳnh Văn Nghệ ở xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, có không ít những người con miền Bắc, họ từng hành quân vào Nam, mang theo niềm tin và lòng yêu nước cháy bỏng. Giờ đây có người tóc đã bạc trắng, lưng còng theo năm tháng, nhưng ánh mắt vẫn sáng rực niềm tự hào - niềm tự hào của người từng sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Như lời ông Đàm Đức Hoành, đại diện Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An (khu vực phía Bắc) khi đến thăm Khu di tích Chiến khu Đ, ông nói: “Ngày ấy, Chiến khu Đ không chỉ là địa danh, mà là nơi của máu, mồ hôi, nước mắt; là cái nơi mà đồng đội tôi ngã xuống…”.
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nguyên chiến sĩ Quân đoàn 1 tham gia giải phóng ở chiến trường tỉnh Bình Dương, tâm sự, ngày 29-4-1975, ông vinh dự trực tiếp ngồi trên xe tăng chỉ huy đơn vị tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Tân Uyên để mở thông đường tiến về Sài Gòn cho binh đoàn. Trong trận đánh này, ông đã bị thương nặng và được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Hôm nay trở lại nơi này, lòng ông bồi hồi. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống trên mảnh đất này. Và có nhiều người, họ đứng lặng trước bia tưởng niệm những người đã nằm lại… Họ nhìn thật lâu, đọc thật kỹ tên những anh hùng, liệt sĩ trên những bia ghi danh như đang tìm kiếm đồng đội, lắng nghe tiếng gọi vọng về từ quá khứ...
Ngày nay, Chiến khu Đ không chỉ là điểm đến lịch sử mà còn là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh vùng đất chiến khu xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thồng đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, từng bước kiến tạo để Bắc Tân Uyên trở thành địa điểm lý tưởng thu hút các nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Và Chiến khu Đ - vùng đất của những con người “thép” mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện về những người lính, người dân nơi đây chính là bài học quý giá về lòng quả cảm, ý chí kiên cường và tình yêu quê hương đất nước... (còn tiếp)
THU THẢO - THANH TUYỀN