Hotline: 0274 383 347
Thứ ba, 13-5-25 20:03:07

Họp Quốc hội: Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2030

0

Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 không có hạn chế đáng kể nào, ngoại trừ việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ không làm tăng số thu ngân sách.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 13/5. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 13-5. 

Sáng 13-5, tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31-12-2030.

Nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết, nhằm tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời tiếp tục góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế-xã hội thông qua đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, chuyên canh hóa tập trung, quy mô lớn.

Cùng với đó, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế về hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đánh giá chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp qua hơn 30 năm thực hiện cho thấy đến nay có những quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay như cách xác định thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp (thuế được tính bằng thóc, thu bằng tiền) và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31-12-2025.

Mặt khác, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp mặc dù được ban hành từ năm 1993 nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ thay đổi về quy định ưu đãi thuế (miễn, giảm) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian qua chưa gặp vướng mắc phát sinh.

Do đó, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31-12-2030.

vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-8028976.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31-12-2030, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 không có hạn chế đáng kể nào do hiệu ứng tích cực về tác động kinh tế-xã hội của việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 trong thời gian qua, ngoại trừ việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ không làm tăng số thu ngân sách nhà nước.

Đánh giá thực trạng để tránh lãng phí nguồn lực

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp ban hành từ năm 1993.

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 2001 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng ưu đãi miễn, giảm theo từng thời kỳ.

Theo đó, đến hết ngày 31-12-2025, hầu hết các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp đều được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và chỉ loại trừ, không áp dụng miễn thuế đối với phần diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác sản xuất.

Qua hơn 30 năm ban hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp , chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện trong một thời gian dài thông qua các Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngoài phạm vi của Luật. Điều này thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua các thời kỳ.

Đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng các thành phần kinh tế cũng đã quen với việc miễn hoàn toàn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua. Vì vậy, để tránh tạo thêm chi phí cho sản xuất nông nghiệp so với chính sách hiện hành đang áp dụng, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh còn khó khăn hiện nay, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội thống nhất về sự cần thiết kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tới như đề xuất của Chính phủ.

Ngoài ra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Từ góc độ hình thức văn bản pháp luật, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2025 và nay đề nghị kéo dài đến năm 2030. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp để bảo đảm tính bền vững, ổn định của hệ thống pháp luật.

“Có ý kiến đề nghị Chính phủ triển khai việc tổng kết việc thi hành luật thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách tổng thể và trình sửa Luật tại Kỳ họp thứ 10, trong đó sẽ xem xét vấn đề miễn thuế đến năm 2030 để bảo đảm tính tổng thể và phù hợp hơn,” ông Phan Văn Mãi nói.

vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-8028632.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, theo ông Phan Văn Mãi, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết không có nội dung chính sách mới mà chỉ kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trên thực tế không gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của chính sách, Ủy ban KTTC nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách đại trà không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian vừa qua cũng có phần dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp còn lãng phí, để hoang hóa.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để có thể thiết kế chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như một công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, tại Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp qua hơn 30 năm triển khai, đến nay có những quy định không còn phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như cách xác định nghĩa vụ thuế vẫn đang được tính theo kg thóc trên 1 ha của từng hạn đất (hiện vẫn đang áp dụng đối với một số đối tượng không thuộc diện được miễn thuế).

Có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp mà không chọn giải pháp xây dựng Luật thay thế Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 trong khi theo đánh giá của Bộ Tài chính là “Luật có những quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội”.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định về Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31-12-2030.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp, đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất./.

Theo TTXVN

Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương (lần 8)

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 vốn ngân sách địa phương (lần 8).

Huyện Dầu Tiếng: Nhựa hóa, cứng hóa 100% tuyến đường huyện, xã quản lý

Hiện trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 2.753 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài trên 1.500km; trong đó đường Trung ương có 1 tuyến (tổng chiều dài 20,9km), đường tỉnh có 7 tuyến

Thương mại - dịch vụ tăng trưởng cao

4 tháng đầu năm 2025 lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh đạt mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm

Chiều 12-5, ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các địa phương.

Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30% trong 90 ngày

Mỹ vừa nhất trí giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% trong 90 ngày; đổi lại, Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10% trong cùng thời gian trên.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ thăm quan Nhà máy bán dẫn của CT Semiconductor

Chiều 11-5, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng  Bùi Hoàng Phương làm trưởng đoàn đã đến tham quan Nhà máy bán dẫn CT Semiconductor, thành viên của Tập đoàn CT Group.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc tế Miền Đông

Sáng 12-5, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến tham quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU).

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát, làm việc tại Bình Dương về phát triển công nghiệp công nghệ số

Sáng 12-5, Đoàn công tác của Bộ khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương làm Trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát và làm việc với UBND tỉnh về phát triển công nghiệp công nghệ số.

Huyện Dầu Tiếng: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch công trình cấp nước đạt gần 77%

Hiện trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 13 công trình cấp nước tập trung.

TP.Tân Uyên: Huy động các nguồn lực duy trì tăng trưởng hai con số

Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của TP.Tân Uyên ước thực hiện 14.225 tỷ đồng, đạt 29,57% so với nghị quyết HĐND thành phố; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.960 tỷ đồng