Với trục đường mới được đầu tư, nâng cấp ven sông Sài Gòn mở thêm hướng phát triển cho TP.Thủ Dầu Một. Theo đó, đánh thức tiềm năng “kinh tế ban đêm”, du lịch sinh thái giúp thành phố khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông.


Phát triển hành lang ven sông Sài Gòn
Thời gian qua, tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một được đầu tư, đưa vào sử dụng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn mở rộng không gian phát triển cho thành phố.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hiện nay dọc ven sông Sài Gòn còn nhiều dư địa phát triển. TP.Thủ Dầu Một đang cùng đơn vị tư vấn tính toán phát triển đô thị một cách hợp lý, hài hòa, bảo đảm về quy mô, cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, dọc hành lang ven sông Sài Gòn trong thời gian tới sẽ hình thành một số bến thủy nội địa; tại những bến này sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cộng đồng để khai thác tối đa hoạt động du lịch trên sông. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng các khu đô thị sinh thái, cao cấp ven sông trong thời gian tới.
Tại hội nghị các tỉnh vùng Đông Nam bộ mới đây, lãnh đạo các địa phương xác định quy hoạch ven sông Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước. Hiện nay, các khu đô thị mới như Thủ Dầu Một, khu vực xung quanh thành phố mới Bình Dương đang là các điểm đến thu hút đối tượng khách hàng vào buổi tối. Việc đầu tư phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ và thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa tạo nên không gian sinh động và thuận lợi cho hoạt động vui chơi, giải trí của người dân, du khách.
Đáng chú ý, TP.Thủ Dầu Một đã khánh thành chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng, thuộc địa bàn phường Phú Cường. Phố đi bộ Bạch Đằng có diện tích hơn 2,4 ha, dài 762m, nối từ giao lộ đường Bạch Đằng - Ngô Quyền (phường Phú Cường) chạy dọc sông Sài Gòn và kết thúc tại giao lộ đường Huỳnh Văn Cù - Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ). Đặc biệt, việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng và phát triển “kinh tế ban đêm” là một yếu tố rất quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, ưu đãi thuế, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao khả năng hoạt động vào ban đêm. Các chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời kích thích sự đầu tư và phát triển bền vững trong lĩnh vực “kinh tế ban đêm”.
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khu vực chợ Thủ Dầu Một là một quần thể kiến trúc ven sông cần được bảo tồn. Chính vì thế, khi chỉnh trang, quy hoạch cần xem xét yếu tố bảo tồn văn hóa và thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, đối với khu vực ven sông Sài Gòn cần quy hoạch đồng bộ khu nhà truyền thống, khu chợ, phố đi bộ, tuyến nhà phố ven sông, bến du thuyền. Tất cả cần được xem xét tổng thể, hài hòa phát triển trên nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của Bình Dương. Theo đó, từ vòng xoay ngã sáu (phường Phú Cường) cần quy hoạch những tuyến đường xương cá dẫn ra bến Bạch Đằng - trở thành những tuyến đi bộ đến khu vực chợ Thủ Dầu Một và đường ven sông. Tuyến ven sông có thể phát triển khu vực chỉ ưu tiên đi bộ, xe đạp. Khu vực ven sông cần quy hoạch nhà cửa đồng bộ, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch.
Mở rộng dư địa phát triển
Tuyến đường ven sông Sài Gòn là một trong những tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói chung, TP.Thủ Dầu Một nói riêng, nhằm hiện thực hóa Quy hoạch phát triển giao thông liên kết vùng của tỉnh, kết nối những khu vực trọng điểm, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, tạo không gian công cộng phục vụ phát triển đô thị dọc tuyến sông…
Mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải, cho biết đang khảo sát để nghiên cứu đầu tư khu đô thị sinh thái cao cấp ven sông Sài Gòn đoạn đi qua TP.Thủ Dầu Một. Trước thông tin này, các chuyên gia cho rằng để tạo ra cảnh quan đô thị mới, khu vực này nên dành riêng phát triển các khu vườn và nhà ở hướng ra sông Sài Gòn nhằm tạo nên kiến trúc cảnh quan phù hợp; đồng thời khuyến khích phát triển các biệt thự vườn như là bản sắc về kiến trúc mang tính đặc thù…
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, tại khu vực ven sông Sài Gòn của TP.Thủ Dầu Một, việc chuyển hướng kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch được xem là giải pháp không những góp phần giúp nông dân trên địa bàn tăng thêm nguồn thu nhập, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững tại địa phương. Sự kết hợp này với các nguồn lực cộng đồng sẵn có, bao gồm các làng nghề, vườn cây ăn trái, nét văn hóa đặc sắc sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển các khu đô thị ven sông, tạo thành dải đô thị xanh mang đậm nét văn hóa sông nước Nam bộ.
Kỳ vọng rằng, với những giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, cùng với sự đầu tư đúng mức về hạ tầng sẽ là tiền đề để ngành thương mại - dịch vụ ven sông Sài Gòn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất từ vòng xoay ngã sáu (phường Phú Cường) cần quy hoạch những tuyến đường xương cá dẫn ra bến Bạch Đằng - trở thành những tuyến đi bộ đến khu vực chợ Thủ Dầu Một và đường ven sông Sài Gòn. Tuyến ven sông có thể phát triển khu vực chỉ ưu tiên đi bộ, xe đạp. Khu vực ven sông cần quy hoạch nhà cửa đồng bộ, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch... |
KHẢI ANH - CHÂU TIẾN