Nhằm giúp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở xử lý tốt các tình huống trong công việc và làm tốt nhiệm vụ được phân công, Công an tỉnh đã chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật đến đội ngũ làm công tác này.
Đáp ứng yêu cầu công việc
Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an (CA) tỉnh, cho biết lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là lực lượng nòng cốt, “cánh tay nối dài” của lực lượng CA nhằm hỗ trợ CA cấp xã trong công tác nắm tình hình ANTT và tham gia cùng chính quyền địa phương bảo đảm ANTT trên địa bàn. Hiện nay, các tổ ANTT ở cơ sở được bố trí trực, làm việc tại các văn phòng khu phố, ấp; một số được bổ sung hỗ trợ công tác tại trụ sở CA cấp xã phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng và khả năng bảo đảm của địa phương theo quy định tại điều 20, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, CA tỉnh thường xuyên mở các đợt tập huấn nghiệp vụ, gồm: Nắm tình hình về ANTT ở cơ sở và thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng phòng vệ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; quản lý pháo, vũ khí, vật liệu nổ; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông. Cùng với đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động. Nói về công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thượng tá Nguyễn Thái Sơn cho biết, tuy đã tận dụng lại công cụ hỗ trợ trước đây đã được trang cấp cho lực lượng CA xã bán chuyên trách như dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm nhưng vẫn còn thiếu so với tiêu chuẩn quy định.
Vững kiến thức, chắc nghiệp vụ
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết hiện tình hình ANTT tuy được giữ vững nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là tình hình trộm cắp vặt, đá nóng xe máy, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội vẫn còn cao. Ngoài ra, kẻ gian cũng lợi dụng địa bàn giáp ranh để phạm tội nên cần có lực lượng “chân rết” nắm tình hình, báo cáo đến lực lượng CA để có kế hoạch phối hợp triệt phá. Với yêu cầu cần thiết trên, việc tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết để lực lượng này vững kiến thức, chắc nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu công việc cũng như bảo vệ chính mình. Qua huấn luyện, không chỉ bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CA trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở. Thời gian qua, CA tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn cho gần 1.500 học viên là tổ trưởng, tổ phó, tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
“Để ANTT địa bàn cơ sở luôn ổn định, đòi hỏi lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trình độ kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và tiếp thu những thông tin mới liên quan đến công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới. Song song đó, đội ngũ cần bảo đảm về chất lượng hoạt động, nhanh nhạy đáp ứng yêu cầu công việc phù hợp với thực tế tại địa bàn cơ sở. Qua đó, nâng cao vai trò nòng cốt, hỗ trợ lực lượng CA trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm giữ vững ANTT, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới”, Đại tá Ngô Xuân Phú nhấn mạnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập 587 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại 587 ấp, khu phố thuộc 91 xã, phường với 3.458 thành viên, số thành viên được bố trí 5 thành viên/ấp; 9 thành viên/khu phố. Các tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được bố trí tại 438 nơi sinh hoạt cộng đồng ở ấp, khu phố và tại 85 nơi làm việc của công an cấp xã. Qua gần 1 năm đi vào hoạt động, nhiều tập thể, cá nhân hoạt động tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở. |
QUỲNH ANH