Hotline: 0274 383 347
Thứ hai, 28-4-25 14:55:33

Hồ sơ tư liệu

Hotline: 0274 383 347

Nga - Cộng hòa Czech căng thẳng vì tin sai lệch

0

Việc Nga và Cộng hòa Czech tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao của nhau đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ hai nước. Điều đáng nói là nguyên nhân gây căng thẳng tầm quốc gia như vậy lại chỉ xuất phát từ một thông tin thiếu chính xác, không có bằng chứng xác thực.

Ngày 5-6, chính quyền Czech công bố sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga vì nghi ngờ 2 người này hoạt động gián điệp. Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Praha, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis cho biết quyết định trên liên quan tới câu chuyện về một nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc đã mang chất độc ricin đến Cộng hòa Czech.

“Chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và những hành động như vậy là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi. Trong tình huống này, chúng tôi đã đưa ra quyết định: 2 nhân viên của Đại sứ quán Nga được gọi là những người non-grata (không được chào đón)”, Thủ tướng Babis nói. 2 nhân viên ngoại giao này phải rời khỏi Praha trong vòng 48 giờ, ông Babis nói thêm.

Như vậy đến ngày 7-6, các nhân viên Ngoại giao Nga phải rời khỏi Czech nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin vì trong điều kiện hạn chế do đại dịch COVID-19, không biết việc trục xuất này sẽ được thực hiện như thế nào.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis.

Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 4, khi tuần tin Respekt của Czech đăng tải bài viết cho rằng một người đàn ông có hộ chiếu ngoại giao Nga đã đến Praha. Ông ta bị cáo buộc đã mang theo người chất độc ricin để đầu độc 3 chính trị gia địa phương có liên quan đến việc phá hủy tượng đài nguyên soái Liên Xô Ivan Konev và đổi tên quảng trường trước Đại sứ quán Nga để vinh danh ông Vladimir Nemtsov.

Sau đó, truyền thông Czech đã nêu tên của người này - theo giả thuyết của họ thì đó là quyền lãnh đạo văn phòng đại diện Hợp tác Nga (Rossotrudnichestvo) Andrei Konchakov. Do đó, các nhà báo Czech đã phát động một chiến dịch quấy rối và một chiến dịch chống Nga và một trong những nhà ngoại giao bắt đầu nhận được các mối đe dọa.

Ngay sau đó, Đại sứ quán Nga tại Praha đã gọi thông tin này là “trắng trợn và hèn hạ”, đồng thời yêu cầu cung cấp cảnh sát bảo vệ nhân viên ngoại giao Nga, vì người này nhận được những lời đe dọa do các phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov sau đó cho biết các báo cáo của truyền thông Czech chẳng qua cũng chỉ là một tin vịt. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng không ai trình ra được bằng chứng cho thấy Moscow đang cố tình đầu độc ai đó ở Cộng hòa Czech.

Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cũng nghi ngờ tính xác thực của thông tin về vụ đầu độc, trong khi Phó Thủ tướng thứ nhất và Bộ trưởng Nội vụ Jan Gamachek thừa nhận rằng cảnh sát và các cơ quan đặc biệt dường như không có bất kỳ bằng chứng nào. Bản thân Thủ tướng Cộng hòa Czech Babis đã thừa nhận rằng, câu chuyện này là giả và không ai cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về tính xác thực của nó.

Tuy nhiên, việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga vẫn diễn ra. Cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Phó Chủ tịch Phòng xã hội Liên bang Nga, ông Serge Ordzhonikidze nhận định rằng quyết định của Cộng hòa Czech không có gì đáng ngạc nhiên.

“Cộng hòa Czech muốn bắt chước những nhà bảo trợ lớn của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không có gì đáng ngạc nhiên trong chuyện này. Nhưng tôi không loại trừ việc ai đó khuyên người Czech làm điều này. Không ai đưa ra được bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về sự vô lý này... Chính phủ Czech rõ ràng có ý định làm mọi thứ có thể để đầu độc mối quan hệ vốn đã không được tốt lắm giữa các nước chúng ta. Đáng tiếc, đây là một đường hướng chính sách nhất quán”, Ordzhonikidze nói.

“Khi một quốc gia muốn trục xuất ai đó thì trước hết đại sứ được mời đến, ông ta sẽ được thông báo rằng có một người cụ thể nào đó đang tham gia vào các hoạt động không phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu đại sứ lên tiếng phản đối, họ bắt đầu cho ông ta xem những bức ảnh cụ thể, bằng chứng cụ thể, sau đó họ đề nghị hoặc sẽ công bố những tài liệu này hoặc người mắc lỗi phải lặng lẽ rời đi. Vì vậy, khi thực sự có những thất bại về tình báo thì sự ra đi sẽ là lặng lẽ”, Cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc cho biết.

“Tôi, với tư cách là một nhà ngoại giao đã làm việc 45 năm, không thể tưởng tượng ra tình huống một nhân viên ngoại giao đe dọa hạ độc các quan chức chính phủ. Đây là một điều nhảm nhí không thể diễn tả được”, ông Ordzhonikidze nhận xét đồng thời lưu ý rằng tình hình hiện tại với hai nhà ngoại giao Nga là “rất nguy hiểm”.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 5-6 tuyên bố, việc trục xuất các nhà ngoại giao của nước này gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Nga - Czech. Trong thông báo của Bộ này nêu rõ: “Phía Czech đã hành động không trung thực và không xứng đáng, khi thực hiện bước đi không thân thiện này. Không có lý do, chính quyền Czech đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ này. Đối với những hành động khiêu khích như vậy, cần phải đáp trả”. Bộ Ngoại giao Nga dự định sẽ chuẩn bị sự đáp trả tương xứng.

Không những thế, các hành động của Praha sẽ được tính đến khi xây dựng mối quan hệ của Nga đối với Cộng hòa Czech. Về phần mình, Đại sứ quán Nga tại Praha coi công hàm của Bộ Ngoại giao Czech về việc trục xuất 2 nhân viên của cơ quan ngoại giao Nga là một sự khiêu khích bịa đặt. Theo bộ phận báo chí của Đại sứ quán, hai nước ngày càng có ít không gian cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Những trục trặc ngoại giao Nga-Czech gần đây toàn vì lý do “rất không rõ ràng”. Năm ngoái, Cộng hòa Czech đã từ chối cấp visa cho một nhà ngoại giao Nga đến nước này để tham dự cuộc họp của Ủy ban Hợp tác kinh tế liên chính phủ Nga-Czech về hợp tác kinh tế, công nghiệp, khoa học và kỹ thuật. Nguyên nhân được cho là không được phép nhập cảnh vào Czech vì “lý do an ninh”.

Đầu tháng 3-2019, Nga đã gửi đi thông điệp có thể cấm nhập cảnh đối với một trong những đại diện chính thức của Czech để đáp trả lại hành động trên.

Theo CAND

Từ khóa: hậu trường

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Nóng “đường đua” vào Nhà Trắng

Ngày 25-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động cuộc đua tái tranh cử chưa từng có tiền lệ với lời kêu gọi người Mỹ chọn ông một lần nữa để “cứu vãn nền dân chủ”.

Cú huých 6 tỉ USD của ông Biden ở Bắc Ailen

Ông Joe Biden đã treo khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD trước mặt các nhà lãnh đạo Bắc Ireland với lời hứa sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước với sự đầu tư của Mỹ nếu việc chia sẻ quyền lực được khôi phục.

Ấn Độ: Ông Rahul Gandhi vạ miệng

Một phiên tòa đang gây chú ý mạnh trong dư luận Ấn Độ, bị can trong vụ án là một chính khách nổi tiếng, ông Rahul Gandhi, con trai gia tộc Gandhi - gia tộc chính trị lớn nhất Ấn Độ.

“Donald Trump trong mắt bão”

Ngày 30-3-2023 đã đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị truy tố, không những vậy, ông còn là nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính giới Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ với “ngoại giao đường ống” ở Trung Á

Cuộc gặp 3 bên vào tháng 12/2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan đã cho thấy rằng Ankara có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối một vùng Trung Á giàu khí đốt với phương Tây.

Ai đứng sau hỗn loạn chính trị ở Brazil?

Khu liên hợp Ba quyền lực (Three Powers Plaza), nơi có tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống và trụ sở Tòa án Tối cao - biểu tượng 3 nhánh quyền lực của hệ thống chính trị Brazil, đã bị chiếm giữ và đập phá ngày 8/1 vừa qua.

Phe cực hữu Israel gây lo ngại cho đối tác Arab

Cây bút bình luận của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel đã viết rằng Hiệp định Abraham, theo đó Israel được 4 quốc gia Arab, bao gồm cả UAE, công nhận vào năm 2020

Thách thức đang chờ Tổng thống Lula Da Silva

Ngày 1/1/2023, ông Luiz Inacio Lula Da Silva, khi nhậm chức đã giàn giụa nước mắt tuyên thệ đưa đất nước Brazil thoát ra khỏi “thảm họa”

Nhật Bản: Nội các chính phủ lao đao vì bê bối

Những ngày cuối năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại đối mặt với những trở ngại chính trị gay gắt sau khi Bộ trưởng Tái thiết của ông trở thành thành viên thứ tư trong nội các dính bê bối

Israel: Ông Netanyahu thành lập chính phủ cực hữu

Chính phủ liên hiệp cực hữu của ông Benjamin Netanyahu được thành lập vào phút cuối, chỉ vài tiếng trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ.