Công đoàn cơ sở Công ty TNHH APPAREL FAR EARSTERN Việt Nam là một đơn vị điển hình vừa được Công đoàn VSIP tuyên dương. Tại đây, nổi lên nhiều gương sáng đoàn viên năng động, sáng tạo trong sản xuất, hoạt động công đoàn, tiêu biểu là anh Mã Văn Việt, phó phòng đóng thùng, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty.

Chung sức với doanh nghiệp
Với vai trò là Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), anh Mã Văn Việt luôn phát huy tốt tính gương mẫu hoàn thành tốt công việc. Hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn tại công ty, anh luôn xây dựng kế hoạch, tham mưu cho CĐCS, Ban giám đốc công ty nhiều chính sách quan tâm đời sống người lao động (NLĐ). Anh cũng đề xuất tham mưu nhiều chương trình hành động ở cơ sở có chiều sâu nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa đoàn viên công đoàn và tổ chức công đoàn, như: Ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, thông tin tới NLĐ, các chuyên gia người nước ngoài đang làm việc tại công ty hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Để góp sức cùng công ty phát triển bền vững, anh đã cùng với Ban Chấp hành CĐCS phát động tổ chức nhiều phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại doanh nghiệp. Trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, hơn 5.000 NLĐ ở công ty luôn phát huy sáng kiến theo phương châm “Mỗi đoàn viên là một ý tưởng - mỗi tổ sản xuất là một mô hình cải tiến”. Qua phát động, 1.123 sáng kiến đã ra đời và làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho NLĐ tại doanh nghiệp. Cụ thể, các sáng kiến có giá trị làm lợi cao cho doanh nghiệp như: “Giảm công đoạn đánh số cho hàng Lululemon” với giá trị làm lợi 1,6 tỷ đồng/ năm, giúp giảm nhân công gỡ tem số, đánh số, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc; sáng kiến “Cải thiện giảm thời gian định hình vải” được áp dụng trong lĩnh vực cắt bán thành phẩm, tiết kiệm chi phí vật tư sản xuất với giá trị làm lợi 906 triệu đồng/năm, giúp cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động, giảm việc sử dụng sức người, góp phần trong việc bảo vệ môi trường…
Đồng hành cùng NLĐ
Anh Mã Văn Việt chia sẻ, trong phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, anh luôn tham mưu phát động gắn liền với hoạt động sản xuất tại đơn vị để phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cụ thể ở từng tổ, bộ phận sản xuất. Ban Chấp hành CĐCS công ty tích cực thể hiện trách nhiệm trong việc tham gia vào hội đồng xét duyệt sáng kiến, cải tiến tại công ty; tích cực động viên cán bộ đoàn viên, NLĐ hăng hái đăng ký, nghiên cứu các đề án cải tiến, phát huy sáng tạo, hợp lý hóa trong sản xuất. CĐCS luôn có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ cho các tác giả sáng kiến trong các khâu thu thập, xử lý thông tin, phân tích thử nghiệm, nghiệm thu, áp dụng. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm như: Sáng kiến cải tiến là gì, nhận diện 7 loại lãng phí trong sản xuất; 5S, tiêu chuẩn hóa công việc; kỹ năng phân tích nguyên nhân và xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi làm nòng cốt cho phong trào; đào tạo chuyên sâu những khâu quan trọng trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để phong trào thi đua yêu nước “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, anh thường xuyên kiến nghị các cấp, ngành có liên quan sớm luật hóa quy định việc trích thưởng cho mỗi sáng kiến, cải tiến theo một tỷ lệ cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Vì hiện nay, có nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi kinh tế cao nhưng mức thưởng chưa tương xứng, thậm chí có doanh nghiệp không biểu dương, khen thưởng cho người có sáng kiến, mặc dù sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và làm lợi về kinh tế cho doanh nghiệp.
Anh Việt cho biết, cần coi trọng những đơn vị doanh nghiệp có nhiều sáng kiến, coi đó là tiêu chí trong công tác đánh giá, biểu dương các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng các cấp hàng năm. Song song đó, công đoàn cấp trên tăng cường làm việc với các chủ doanh nghiệp để tạo điều kiện và hỗ trợ CĐCS thực hiện tốt các vai trò của mình; đồng thời định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá và lựa chọn các sáng kiến cải tiến xuất sắc, giúp đoàn viên viết báo cáo sáng kiến để gửi đi tham gia các hội thi gương điển hình tiên tiến, sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật các cấp. “Có như vậy mới động viên được cán bộ, đoàn viên, NLĐ tích cực phát huy, đưa ra các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất”, anh Việt nói.
Điểm nổi bật là Mã Văn Việt đã cùng với CĐCS công ty phát động thi đua liên tục; tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, ghi nhận và tôn vinh kịp thời các cá nhân, tập thể có đóng góp sáng tạo. Ngoài ra, việc thành lập các tổ “nghiên cứu cải tiến” tại từng phân xưởng, cùng với chế độ khuyến khích bằng vật chất, tinh thần cũng được triển khai bài bản, góp phần thúc đẩy tinh thần lao động sáng tạo. Chính vì điều đó, nhiều công nhân đã vươn lên trở thành những tấm gương lao động giỏi, sáng tạo điển hình. Điều này không chỉ tạo động lực cho cá nhân NLĐ mà còn nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong mắt người sử dụng lao động... |
HỒ VĂN - THẢO NGUYÊN