Hotline: 0274 383 347
Thứ ba, 29-4-25 23:21:54

Hồ sơ tư liệu

Hotline: 0274 383 347

Israel thông qua Luật cơ bản về Quốc gia dân tộc của người Do Thái:

Nước cờ táo bạo của ông Netanyahu

0

Quốc hội Israel do liên minh hữu khuynh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu kiểm soát vừa gây chấn động toàn khu vực Trung Đông với việc thông qua Luật cơ bản (tương đương hiến pháp) về quốc gia dân tộc, trong đó trao cho người Do Thái quyền độc tôn trong Nhà nước Israel, các sắc tộc khác, như người Arab, không có được quyền này.

Giới phân tích đánh giá Luật cơ bản này đang biến Israel thành một quốc gia kỳ thị chủng tộc (tương tự Nam Phi trước đây), đồng thời phá hỏng mọi cơ hội hòa bình trong khu vực Trung Đông.

Với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống, Luật cơ bản Quốc gia dân tộc Do Thái (Luật cơ bản) đã được Quốc hội Israel thông qua vào sáng ngày 19-5, sau nhiều giờ tranh luận gay gắt giữa các đảng phái chính trị. Luật bao gồm 11 điều khoản ngắn gọn, súc tích theo đúng tinh thần của luật cơ bản. Trong đó, phần lớn các điều khoản của Luật tập trung bảo vệ “quyền độc tôn” của người Do Thái so với các sắc dân khác, như xác lập các nguyên tắc “vùng đất Israel là của người Do Thái”, “Nhà nước Israel là quốc gia của người Do Thái”, trong đó quyền tự quyết mọi vấn đề của quốc gia, dân tộc là quyền “chỉ duy nhất thuộc về người Do Thái”.

Về ngôn ngữ, Luật cơ bản xác định chỉ duy nhất tiếng Hebrew của người Do Thái là ngôn ngữ chính thức, còn tiếng Arab sẽ “được trao một quy chế đặc biệt” và việc sử dụng tiếng Arab trong các cơ quan, các thiết chế của nhà nước sẽ được quy định trong một luật riêng.

Chính những quy định trên đã gây phẫn nộ trong cộng đồng người Arab ở Israel và toàn khu vực Trung Đông. Các chính khách Israel gốc Arab đã tức giận xé bỏ văn bản luật ngay khi nó vừa được thông qua và gáo thét “Apartheid” để phản đối trong nghị trường. Ayman Oxdeh, lãnh đạo Liên minh các chính đảng Arab nổi bật chiếm 13 trên 120 ghế trong Quốc hội Israel đã giương cờ đen tỏ ý phản đối việc thông qua Luật.

Với việc thông qua Luật cơ bản, ông Netanyahu đã đi một nước cờ hết sức táo bạo trong cuộc chiến với người Palestine. Hiện tại, ông và liên minh hữu khuynh cầm quyền của mình đang nắm trong tay mọi ưu thế, khi các đảng phái trung dung và cánh tả, Arab đều đang rất yếu, không đủ sức để thách thức liên minh cầm quyền trong mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến người Palestine.

trọng hơn, ông lại đang có thêm sự ủng hộ chưa từng có trong lịch sử từ Tổng thống Mỹ Donald Trump: lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chính ông Donald Trump cũng dành cho Israel sự ủng hộ tuyệt đối trong cuộc tranh giành quyền lợi với người Palestine.

Từ nhiều năm qua, vấn đề tranh chấp đất đai với người Palestine và quyền tồn tại như một nhà nước luôn là vấn đề lớn nhất và khó khăn của Israel. Trong các điều kiện đàm phán hòa bình với người Palestine trước đây, Israel luôn đặt ra điều kiện người Palestine thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái với an ninh được bảo đảm tuyệt đối.

Ngược lại, người Palestine cũng đặt ra các yêu cầu Israel trả lại các vùng đất bị chiếm, thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của Nhà nước Palestine, bảo đảm quyền hồi hương của người Arab tị nạn sau cuộc chiến lập quốc của Israel. Giải pháp “Hai nhà nước” do “Bộ tứ” (gồm Liên Hiệp Quốc, EU, Nga và Mỹ) bảo trợ được xem là cứu cánh của mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhưng đã hơn 10 năm kể từ khi giải pháp “Hai nhà nước” ra đời, tiến trình đàm phán có lúc tưởng chừng sắp thành công nhưng rồi trôi tuột đi, cho đến nay xem như “chết lâm sàng”.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đi vào lịch sử với việc ban hành Luật cơ bản về Quốc gia dân tộc của người Do Thái.

Sự thất bại trong mọi nỗ lực đàm phán hòa bình xuất phát từ việc người Palestine (Hamas) nhất quyết không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái, đồng thời Israel cũng nhất định không dừng phát triển các khu định cư Do Thái, liên tục chiếm thêm đất của người Palestine ở khu Bờ Tây.

Luật cơ bản đã mở toang cánh cửa để người Do Thái tự do làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các địa điểm, các di tích tôn giáo nhạy cảm, tranh chấp giữa người Arab và người Do Thái. Một điều khoản trong Luật cơ bản quy định “Jerusalem - toàn bộ và thống nhất - là thủ đô của Israel” xem như đã đặt dấu chấm hết cho yêu sách về Đông Jerusalem của người Palestine, vì vậy cho dù mai này có quay trở lại đàm phán thì Luật cơ bản là căn cứ quan trọng nhất để Israel bác bỏ mọi yêu cầu của người Palestine về “thủ đô tương lai” của họ.

Và những điều khoản khác quy định “quyền chiếm đóng” của người Do Thái, xem “việc phát triển khu định cư Do Thái là một giá trị quốc gia”, rằng nhà nước Israel có quyền hành động (cưỡng chế) đối với người Palestine để phát triển và sáp nhập các khu định cư đó vào Nhà nước Do Thái. Điều này đồng nghĩa với việc Israel được tự do xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestine và xem đó là “đất Do Thái”.

Trên thực tế, ngay khi Luật cơ bản được thảo luận và thông qua thì quân đội Israel đã mang xe ủi, máy xúc đến phá nhà, san bằng nhiều thôn làng của người Palestine ở khu Bờ Tây. Nhiều khu đất rộng lớn của người Palestine ở Bờ Tây hiện đã bị xẻ ngang xẻ dọc, bị chiếm làm đất xây khu định cư, xây đường giao thông của người Do Thái, khiến hàng trăm người Palestine bị mất nhà cửa, bị ép vào ở trong các khu lán trại ọp ẹp do Israel xây sẵn ở những nơi bất tiện, khó sinh sống.

Với những quy định như thế, sự thất thế hoàn toàn của người Palestine gần như đã thể hiện rõ khi Israel ban hành Luật cơ bản về quốc gia dân tộc Do Thái. Nó đã làm dấy lên làn sóng phản đối phẫn nộ của người Palestine khắp các vùng lãnh thổ.

Ở phương Tây, Anh, EU đều lên tiếng phản đối Israel thông qua Luật cơ bản. Bộ Ngoại giao Ai Cập - một “đồng minh” của Israel trong khu vực - cũng đã lên tiếng phản đối và cảnh báo việc Israel thông qua Luật cơ bản này đã phá hỏng các cơ hội hòa bình ở Trung Đông. 

Theo CAND

Từ khóa: hồ sơ

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Nóng “đường đua” vào Nhà Trắng

Ngày 25-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động cuộc đua tái tranh cử chưa từng có tiền lệ với lời kêu gọi người Mỹ chọn ông một lần nữa để “cứu vãn nền dân chủ”.

Cú huých 6 tỉ USD của ông Biden ở Bắc Ailen

Ông Joe Biden đã treo khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD trước mặt các nhà lãnh đạo Bắc Ireland với lời hứa sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước với sự đầu tư của Mỹ nếu việc chia sẻ quyền lực được khôi phục.

Ấn Độ: Ông Rahul Gandhi vạ miệng

Một phiên tòa đang gây chú ý mạnh trong dư luận Ấn Độ, bị can trong vụ án là một chính khách nổi tiếng, ông Rahul Gandhi, con trai gia tộc Gandhi - gia tộc chính trị lớn nhất Ấn Độ.

“Donald Trump trong mắt bão”

Ngày 30-3-2023 đã đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị truy tố, không những vậy, ông còn là nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính giới Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ với “ngoại giao đường ống” ở Trung Á

Cuộc gặp 3 bên vào tháng 12/2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan đã cho thấy rằng Ankara có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối một vùng Trung Á giàu khí đốt với phương Tây.

Ai đứng sau hỗn loạn chính trị ở Brazil?

Khu liên hợp Ba quyền lực (Three Powers Plaza), nơi có tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống và trụ sở Tòa án Tối cao - biểu tượng 3 nhánh quyền lực của hệ thống chính trị Brazil, đã bị chiếm giữ và đập phá ngày 8/1 vừa qua.

Phe cực hữu Israel gây lo ngại cho đối tác Arab

Cây bút bình luận của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel đã viết rằng Hiệp định Abraham, theo đó Israel được 4 quốc gia Arab, bao gồm cả UAE, công nhận vào năm 2020

Thách thức đang chờ Tổng thống Lula Da Silva

Ngày 1/1/2023, ông Luiz Inacio Lula Da Silva, khi nhậm chức đã giàn giụa nước mắt tuyên thệ đưa đất nước Brazil thoát ra khỏi “thảm họa”

Nhật Bản: Nội các chính phủ lao đao vì bê bối

Những ngày cuối năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại đối mặt với những trở ngại chính trị gay gắt sau khi Bộ trưởng Tái thiết của ông trở thành thành viên thứ tư trong nội các dính bê bối

Israel: Ông Netanyahu thành lập chính phủ cực hữu

Chính phủ liên hiệp cực hữu của ông Benjamin Netanyahu được thành lập vào phút cuối, chỉ vài tiếng trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ.