Huyện Phú Giáo đang nổi lên như một điểm sáng trong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Mô hình này không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch địa phương mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Khai thác lợi thế
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở xã An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư là một điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp công nghệ cao và các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn (một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường). Với diện tích hàng trăm ha, khu nông nghiệp này không chỉ là nơi sản xuất ra những nông sản chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như chuối, dưa lưới, cây có múi, mà còn là một “trường học nông trại” độc đáo, mở cửa đón du khách đến tham quan, học tập và trải nghiệm.
Điểm đặc biệt tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái chính là việc ứng dụng triệt để các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ quy trình sản xuất. Minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm trên là dự án nghiên cứu và chuyển giao quy trình sản xuất phân bón vi sinh từ quả chuối không đạt tiêu chuẩn của Unifarm. Mỗi ngày, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái thải ra khoảng 3 tấn chuối các loại, bao gồm cả vỏ và ruột. Thay vì vứt bỏ, Unifarm đã hợp tác với các nhà khoa học để biến chúng thành phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ ngược lại cho chính những vườn cây của mình.
Lãnh đạo huyện Phú Giáo cho biết theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong tam giác kết nối vùng nông nghiệp tập trung của huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và vùng trồng cây ăn trái có múi ở huyện Bắc Tân Uyên. Vị trí này không chỉ thuận lợi cho việc giao thương, tiếp cận thị trường mà còn tạo điều kiện để huyện Phú Giáo hợp tác với các vùng lân cận trong việc phát triển du lịch liên kết.
Ngoài Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, với vị trí địa lý thuận lợi, giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, huyện Phú Giáo sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch.
Cần giải pháp tổng thể
Những năm qua, huyện Phú Giáo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, trên địa bàn huyện có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (xã Tân Hiệp và xã Phước Sang), có Công ty Cổ phần Vinamit organic Farm - Chi nhánh Phước Sang (xã Phước Sang)… và các mô hình nông nghiệp đô thị, trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GobalGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc kết hợp hoạt động du lịch với nông nghiệp công nghệ cao giúp tỉnh Bình Dương nói chung và huyện Phú Giáo nói riêng xây dựng loại hình du lịch mới, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có với các mô hình, trang trại nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn hiện nay hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp tại huyện Phú Giáo vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dừng lại ở mức độ tham quan, học tập tại một số trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chưa có sự đầu tư bài bản vào cơ sở vật chất, dịch vụ lưu trú và các hoạt động trải nghiệm đa dạng. Cùng với đó, nhận thức của người dân về phát triển du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo chuyên nghiệp; sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với địa phương còn yếu.
Lãnh đạo huyện Phú Giáo chia sẻ địa phương tích cực “đánh thức” tiềm năng du lịch xanh. Cụ thể, các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đang được hoàn thiện; công tác truyền thông, quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù từ nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển của huyện. Mô hình “Trường học nông trại gắn với du lịch tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái” được xem là một hình mẫu thí điểm quan trọng để nhân rộng ra các địa điểm khác trong toàn huyện.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh”, để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, huyện Phú Giáo cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thông minh; ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và giải pháp tuần hoàn trong sản xuất. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo nên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như tour trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, làng nghề truyền thống và điểm du lịch sinh thái; đầu tư hạ tầng lưu trú, dịch vụ hỗ trợ; tăng cường liên kết vùng, mở rộng các tuyến du lịch kết nối Phú Giáo với các địa phương trong và ngoài khu vực Đông Nam bộ. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng cần được đẩy mạnh qua nhiều kênh truyền thông đa dạng...
“Phát triển du lịch từ nông nghiệp công nghệ cao gắn với kinh tế tuần hoàn tại huyện Phú Giáo không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Để thành công, huyện cần có một chiến lược bài bản, từ việc quy hoạch phát triển các vùng du lịch nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho đến đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan”. (Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) |
HẠNH NHI - LÝ HUY