Theo nhận xét từ các chuyên gia tâm lý học, những ngày hè đang đến, trẻ em sẽ không đến trường học nên sẽ xem nhiều chương trình trên các thiết bị điện tử. Do đó, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con và giải thích cho con hiểu kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng
Nhiều chương trình “dẫn dụ”
Bà Nguyễn Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, cho biết hiện nay không phủ nhận mạng xã hội mang lại hiệu quả nhưng cũng là con dao 2 lưỡi khi không được kiểm soát, người lớn còn bị “dẫn dụ” từ chương trình này đến chương trình khác huống gì trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu người mẹ tìm kiếm vào mục nấu ăn hoặc thời trang, các thiết bị thông minh sẽ đọc được từ khóa và sau đó hiện lên gợi ý rất nhiều món ăn, quần áo thời trang. Từ đó dẫn dụ người xem vào các chương trình này và người xem dần “lún sâu”. Tương tự, với trẻ nhỏ, khi được thả vào không gian mạng, các em thỏa sức lướt xem nhiều chương trình nhưng chưa phân biệt được đúng sai nên càng nguy hiểm.

Để mỗi hội viên làm tốt vai trò trong việc quản lý và đồng hành cùng con, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến hội viên các nội dung cảnh báo, phòng chống thủ đoạn các loại tội phạm trên không gian mạng thông qua trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Zalo do hội quản lý, đặc biệt chú trọng đến vấn đề giới tính, chống xâm hại tình dục. Hiện nay, trẻ sử dụng internet quá mức dẫn đến nghiện game, nghiện mạng xã hội. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Sức hấp dẫn từ việc sử dụng các nền tảng, trò chơi càng lớn làm cho trẻ bị nghiện nên trẻ thu mình trên thế giới thực. Một số trẻ có tâm trạng bất ổn, không tập trung, ảnh hưởng não bộ và trí nhớ bị giảm sút, rối loạn giấc ngủ, thậm chí bị trầm cảm hoặc rối loạn hành vi, một khi trẻ rơi vào vòng xoáy nghiện game sẽ rất khó khăn để cai nghiện, bà Nguyễn Thanh Loan phân tích.
Thiết lập quy tắc
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng, Trưởng bộ môn Tâm lý học, trường Đại học Thủ Dầu Một, phân tích thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ quá bận rộn cuốn mình vào công việc, ít có thời gian chăm sóc và vui chơi cùng con trẻ. Bên cạnh những em có điều kiện được cha mẹ quan tâm, tạo điều kiện để có được sự tham gia vào các hoạt động hè vui khỏe bổ ích, một số em lại cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, khi đó các thiết bị điện tử và không gian mạng trở thành nguồn giải trí cơ bản. Điều này có thể khiến trẻ có nhiều tiềm ẩn rủi ro nếu không có sự quan tâm hỗ trợ từ người lớn, nhất là cha mẹ.
Trong quý 1, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường tuyên truyền các bản tin pháp luật và bảo vệ trẻ em, cảnh giác trước các chiêu lừa đảo qua ứng dụng mạng xã hội gần 200 tin, bài với 17.259 người theo dõi, 10.439 lượt thích trang, 1.661.556 lượt người tiếp cận bài viết, 339.864 lượt người tương tác bài mới, gần 8,5 triệu lượt xem. |
Để giúp trẻ vẫn có thể vui chơi giải trí trên không gian mạng mà an toàn, tránh nguy cơ bị thông tin xấu, độc hại hay lạm dụng, lừa đảo, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, phụ huynh cần hiểu rằng, giao lưu với người khác, vui chơi là nhu cầu chính đáng của trẻ. Trong xã hội hiện nay, thiết bị điện tử là một phương tiện cơ bản trong gia đình mà trẻ dễ dàng tiếp cận, qua đó thỏa mãn nhu cầu giải trí, học tập và giao tiếp. Nhất là khi trẻ ít có cơ hội tham gia các hoạt động thực tế khác do vậy người lớn không nên cấm đoán khắt khe. Thứ hai, cần giáo dục kỹ năng an toàn mạng cho trẻ, hướng dẫn trẻ không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, trường học; không gặp gỡ những người không quen biết, đặc biệt không hẹn gặp họ ở ngoài đời thực. Thứ ba, tạo mối quan hệ tin tưởng để trẻ chia sẻ, trò chuyện khi gặp điều bất thường trên mạng. Giới thiệu cho trẻ các trang web học tập, vui chơi lành mạnh bổ ích. Cần giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, tránh để trẻ dùng quá 2 giờ/ngày. Nên dành thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, giao tiếp với bạn bè thông qua các hoạt động xã hội, hội trại, các lớp học năng khiếu, bơi lội. Cùng với đó phụ huynh cần phòng ngừa chủ động thông qua các phần mềm lọc nội dung, kiểm soát thời gian tránh việc trẻ sa đà vào mạng xã hội.
PHƯƠNG QUỲNH