Nhằm giúp công nhân lao động chủ động tránh xa các tệ nạn xã hội, ổn định công việc và đời sống, Liên đoàn Lao động TP.Thủ Dầu Một đã tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động; đồng thời, tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật để giảm các tranh chấp, tạo quan hệ lao động ổn định hài hòa.

Bà Huỳnh Phi Nga, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Thủ Dầu Một, cho biết trước tình hình khó khăn chung về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ), đơn vị đã tăng cường nắm tình hình công nhân lao động (CNLĐ) thông qua cán bộ công đoàn cơ sở, tổ công đoàn trong công ty để có cách tư vấn, tuyên truyền phù hợp. Theo đó, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tham gia cùng doanh nghiệp động viên NLĐ thực hiện tốt nội quy, quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; duy trì việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ theo quy định.
Để kịp thời nắm thông tin, hoạt động liên quan đến NLĐ, LĐLĐ thành phố tổ chức chương trình “Cà phê sáng công đoàn”, qua đó tạo không gian trao đổi, giao lưu giữa lãnh đạo các cấp với cán bộ công đoàn cơ sở. Ngoài ra, đơn vị duy trì kênh thông tin hai chiều hiệu quả giữa lực lượng nòng cốt với LĐLĐ thành phố để cung cấp thông tin, nắm bắt dư luận trong CNLĐ. Qua kênh thông tin này, tổ trưởng các tổ công đoàn kịp thời báo cáo các vụ việc, tranh chấp phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự có thể xảy ra trong doanh nghiệp, công ty. Các thành viên trong tổ sẽ báo cáo vụ việc như tụ tập đám đông, kích động CNLĐ đình công, lãn công, đánh nhau và cả những thông tin xuyên tạc trên mạng gây tâm lý hoang mang bất lợi cho NLĐ. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 61 đội công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự với 2.200 thành viên trong 61 doanh nghiệp cũng là cánh tay nối dài trong công tác bảo đảm ANTT từ cơ sở.
Qua tìm hiểu về nội dung, kiến thức pháp luật mà CNLĐ trên địa bàn cần tư vấn, đa phần NLĐ chưa hiểu các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động, chế độ thôi việc, tiền lương ngừng việc nên LĐLĐ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về các nội dung trên. Đồng thời, đơn vị tăng cường tuyên truyền các điểm mới của Luật Công đoàn năm 2024, quy định mới về chế độ thai sản cho lao động nam từ năm 2025, Luật An toàn vệ sinh lao động, công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới...
Theo đánh giá, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, LĐLĐ TP.Thủ Dầu Một còn làm tốt công tác phối hợp với ngành chức năng tăng cường nắm tình hình trong CNLĐ nên đã giải quyết ổn thỏa một số vụ tranh chấp lao động trong công ty. Thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra tình hình sử dụng lao động và thực hiện các chế độ chính sách cho CNLĐ trong các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đối thoại về đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc với doanh nghiệp, công ty có tổ chức công đoàn, tăng cường tuyên truyền và vận động NLĐ thực hiện “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”.
Theo thống kê, từ ngày 1-1 đến 15-4, Liên đoàn Lao động TP.Thủ Dầu Một đã tư vấn cho 7.200 lượt công nhân lao động qua hình thức tiếp xúc trực tiếp, Fanpage, Zalo. Ngoài ra, thông qua Fanpage, Zalo OA, Liên đoàn Lao động thành phố đã thực hiện 50 bài viết tuyên truyền về các chính sách với 627.000 người tiếp cận và hơn 2.300 lượt chia sẻ, tương tác. |
PHƯƠNG QUỲNH