Hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải mâu thuẫn, hạn chế phát sinh tranh chấp, góp phần duy trì sự đoàn kết, tạo môi trường sống hòa thuận gắn bó trong cộng đồng dân cư cũng như giúp hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, giảm áp lực lên các cơ quan chức năng.

Lắng nghe và phân tích
Ông Đỗ Thành Lập, hòa giải viên tại phường Mỹ Phước (TP.Bến Cát) có thâm niên 20 năm trong công tác hòa giải chia sẻ, hòa giải ở cơ sở là hóa giải xích mích, tranh chấp nhỏ nhặt giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hàng xóm để “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không” nhằm xây dựng một cộng đồng hòa thuận, yên vui. Muốn hòa giải hiệu quả, thành viên tổ hòa giải được coi là “cầu nối” đưa kiến thức pháp luật đến với người dân nên cần phải lắng nghe và phân tích đúng sai để người tranh chấp hiểu. Các vấn đề đưa ra hòa giải tại cơ sở là các mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm tranh chấp lối đi, ranh giới đất...
Ông Lập kể thêm, có lần tổ hòa giải đến nhà một gia đình để hòa giải về việc hai vợ chồng thường xuyên cự cãi lớn tiếng, trong lúc bực tức người chồng vứt đồ đạc ra ngoài đường ảnh hưởng đến hàng xóm. Người chồng cũng từ chối tiếp chuyện tổ hòa giải với lý do chuyện nội bộ gia đình tự giải quyết. Sau nhiều lần đến tìm hiểu và vận động, tổ hòa giải mới biết lý do người chồng hay đi nhậu, bỏ bê công ăn việc làm và con cái, nhiều lần khuyên chồng không nghe, người vợ cự cãi và đòi ly hôn. Hiểu được câu chuyện, các thành viên tổ hòa giải thường xuyên tới nhà hỏi thăm nên người chồng dần dần thay đổi, kết quả sau một thời gian tổ hòa giải động viên và đồng hành, gia đình không còn to tiếng như trước.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó trưởng Phòng Tư pháp TP.Bến Cát, cho biết trên thực tế mâu thuẫn ở cơ sở xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và muôn hình vạn trạng. Do đó, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên cơ sở trước hết phải hiểu biết pháp luật; có uy tín cũng là người tiếp thu lắng nghe để giải quyết thấu tình, đạt lý. Để củng cố và tăng cường kiến thức về hòa giải cơ sở, trong quý I, Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch PBGDPL; hòa giải cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2025 theo chương trình của Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, tất cả các thành viên tổ hòa giải đều được tập huấn kỹ năng hòa giải cơ sở, thành phố hiện có 44 tổ hòa giải với 354 hòa giải viên và 170 tuyên truyền viên đã được tập huấn theo quy định. Trong quý I, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 11 trường hợp, đưa ra hòa giải 11 trường hợp, hòa giải thành 11 trường hợp, đạt tỷ lệ 100%.
Hạn chế khiếu kiện vượt cấp
Nói về việc làm tốt hòa giải ở cơ sở sẽ hạn chế khiếu kiện vượt cấp, ông Phạm Thành Lê, Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Dầu Một, cho biết hòa giải thành công ở cơ sở có vai trò quan trọng và kéo giảm các vụ căng thẳng, tranh chấp trong cộng đồng cư dân. Thời gian qua, công tác hòa giải tại thành phố ngày càng có hiệu quả cao góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương. Cụ thể, trong quý I, các tổ hòa giải nhận được 3 đơn, đưa ra hòa giải 3 đơn và tỷ lệ thành công 100%. Có được kết quả trên, Phòng Tư pháp thành phố đã tăng cường tập huấn kỹ năng hòa giải, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL cho lực lượng hòa giải viên. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử để phân tích tình huống cho hai bên cùng hiểu; đồng thời căn cứ quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn giúp các bên hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và cùng nhau dàn xếp ổn thỏa với nhau. Từ đó, các vụ việc hòa giải thành trên địa bàn luôn đạt tỷ lệ cao và không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, cho biết đơn vị đã chủ động ban hành công văn về truyền thông, phổ biến các luật, nghị quyết về tăng cường PBGDPL và một số vấn đề dư luận quan tâm. Song song đó là hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Tiếp cận pháp luật” đến các phòng tư pháp huyện, thành phố. Đối với đội ngũ hòa giải viên cấp cơ sở, Sở Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cập nhật nội dung các văn bản pháp luật mới, các quy định về đất đai, hôn nhân gia đình, tranh chấp tài sản giúp hòa giải viên có kiến thức để giải quyết tranh chấp hiệu quả. Đồng thời, sở cũng khuyến khích phòng tư pháp các địa phương gắn công tác hòa giải với hoạt động PBGDPL và vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh văn hóa tại khu dân cư.
Trong quý I, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, góp phần hạn chế phát sinh sự vụ, sự việc phải giải quyết đến cấp thẩm quyền; các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 52 đơn, đưa ra hòa giải 52 đơn, trong đó hòa giải thành 48 đơn, đạt tỷ lệ 92%. |
QUỲNH ANH