Tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, dự án “Thiết bị lật sách tự động dành cho người khuyết tật chi trên” của nhóm học sinh trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) đã xuất sắc giành giải nhất và là một trong ba dự án đại diện cho tỉnh Bình Dương tham gia đấu trường quốc gia. Thành tích này không chỉ là niềm tự hào của nhà trường, của ngành giáo dục mà còn là minh chứng cho khả năng sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các em học sinh.
Sáng tạo vì cộng đồng
Chúng tôi tới trường THCS Phú Mỹ vào những ngày cuối tháng 2, niềm vui và sự tự hào dường như vẫn còn hiện diện trên gương mặt của giáo viên và học sinh nhà trường khi dự án “Thiết bị lật sách tự động dành cho người khuyết tật chi trên” của em Nguyễn Tú Bình lớp 8A3 và em Nguyễn Anh Nhật lớp 8A7 giành được giải nhất duy nhất của cuộc thi và được chọn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia.
Theo chia sẻ của Nguyễn Tú Bình, ý tưởng về dự án của em xuất phát từ một chuyến đi du lịch với gia đình vào dịp tết năm 2024, khi thấy một anh bán vé số bị khuyết tật ở tay đang ngồi đọc sách ven đường. “Lúc về nhà, em cứ nhớ mãi hình ảnh ấy. Từ đó em có suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ những người khuyết tật chi trên có thể dễ dàng đọc sách, tiếp cận tri thức một cách thuận tiện. Từ suy nghĩ đó, em nói với bạn Anh Nhật để cả hai cùng nghiên cứu và trình bày ý tưởng với thầy cô để thực hiện sản phẩm và tham gia cuộc thi KHKT cấp thành phố”, Tú Bình bộc bạch.
Sau khi ý tưởng trên được nhà trường duyệt, tháng 8-2024 các em bắt tay vào thực hiện dự án dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Hữu Giàu, giáo viên môn khoa học tự nhiên. Dự án “Thiết bị lật sách tự động dành cho người khuyết tật chi trên” được nhóm học sinh nghiên cứu và phát triển với mong muốn hỗ trợ người khuyết tật chi trên có thể dễ dàng đọc sách mà không cần sự trợ giúp từ người khác. Thiết bị này hoạt động bằng hệ thống cơ điện thông minh, cho phép người dùng lật từng trang sách thông qua cảm biến, điều khiển linh hoạt bằng đầu hoặc chân. Với cơ cấu lật trang chính xác của sản phẩm sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tri thức của những người có hoàn cảnh đặc biệt.
“Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình thực hiện của các em cũng gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn chính là việc tìm kiếm trang thiết bị và lập trình cho sản phẩm. Tuy nhiên, chúng em luôn nhận được sự đồng hành của thầy cô cũng như gia đình và nhà trường để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất. Chúng em rất vui khi sản phẩm được đánh giá cao và đạt kết quả cao tại cuộc thi cấp tỉnh”, em Nguyễn Anh Nhật cho biết.
Hướng tới cuộc thi cấp quốc gia
Trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm với mong muốn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, dự án nhận được sự đánh giá cao của mọi người về ý tưởng nhân văn, tính khả thi cũng như tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu được đầu tư phát triển đúng hướng, thiết bị này hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm hữu ích trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống của người khuyết tật.
Thầy Nguyễn Hữu Giàu cho biết: “Sau khi nghe các em trình bày, tôi thấy được tính thiết thực và khả thi của ý tưởng này nên quyết định sẽ cùng đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ các em hiện thực hóa ý tưởng, làm sản phẩm tham gia cuộc thi. Khi được chọn tham gia cuộc thi cấp tỉnh và vinh dự giành được giải nhất cấp tỉnh, cả thầy và trò đều vui mừng với kết quả này và xem đây là hành trang và động lực để chúng tôi cố gắng cho cuộc thi cấp quốc gia sắp tới”.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Khi các em đưa sản phẩm tới thực nghiệm tại trung tâm, tôi thấy sản phẩm có ý nghĩa nhân văn rất cao. Tôi đánh giá cao sản phẩm này, đặc biệt về phần ý tưởng. Mặc dù các em còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có ý tưởng rất thiết thực. Hy vọng sản phẩm sớm được đưa vào thực tế để giúp các đối tượng kém may mắn có thể tiếp cận nhanh hơn với tri thức”.
Chiến thắng tại cuộc thi cấp tỉnh đã mở ra cơ hội lớn để dự án tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Trên tinh thần đóng góp từ các chuyên gia, ban giám khảo cuộc thi, hiện ê-kíp đang tích cực cải tiến sản phẩm, tối ưu hóa thiết kế và tính năng nhằm nâng cao tính ứng dụng thực tiễn trước khi bước vào vòng thi cấp quốc gia.
Cô Phạm Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ, cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp nhà trường có học sinh đạt giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh và đi thi cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của tập thể nhà trường. Trường sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ một cách tốt nhất để các em tham gia cuộc thi. Hy vọng với ý nghĩa nhân văn này, dự án của các em sẽ đạt được kết quả tốt tại cuộc thi, viết tiếp thành tích cho nhà trường cũng như ngành giáo dục tỉnh nhà.
Vượt qua 53 dự án đăng ký dự thi cấp tỉnh, trong đó có 26 dự án khối THCS và 27 dự án của khối THPT, dự án “Thiết bị lật sách tự động dành cho người khuyết tật chi trên” của trường THCS Phú Mỹ đã thuyết phục Ban tổ chức bởi tính nhân văn, thiết thực, có tính khả thi cao và xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi. Năm nay, Bình Dương có 3 dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dự kiến tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 3. ![]() |
HỒNG PHƯƠNG