Hiện nay tình trạng ly hôn ở vợ chồng trẻ chiếm khoảng 2/3 số vụ ly hôn mà ngành tòa án thụ lý giải quyết. Đáng nói là đằng sau những vụ này đã để lại không ít hệ lụy cho xã hội. Theo đánh giá chung, nếu như các vụ ly hôn của những cặp vợ chồng trên 40 tuổi với lý do chủ yếu là vì bạo hành, thì ở các cặp vợ chồng trẻ tuổi thường là không hợp nhau, bất đồng quan điểm. Một bộ phận các bạn trẻ có quan điểm “không sống được với nhau thì ly hôn”, trong khi quan điểm của các thế hệ trước thường đề cao sự đức hạnh, sự hy sinh.
Tuy nhiên, không phải tất cả người trẻ đều có quan điểm giống nhau hoặc không phải người nào thuộc thế hệ trước cũng biết hy sinh để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sự thật hiện nay chúng ta dễ dàng nhận ra rằng quan điểm về hôn nhân đang dần được thay đổi theo hướng cởi mở hơn, hòa nhập hơn... và đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến số vụ án ly hôn tăng đột biến trong những năm gần đây.
Hệ lụy sau những vụ án ly hôn
Việc ly hôn sẽ để lại cái kết buồn cho những cặp đôi đã từng chung lời hẹn ước một đời bên nhau. Vốn biết rằng ly hôn sẽ để lại nhiều đau buồn cho cả đôi bên, tuy nhiên có những sự thật vô cùng đáng sợ về sự đổ vỡ này mà không phải ai cũng lường trước được đó chính là cuộc sống sau ly hôn. Một trong hai bên sẽ rơi vào trạng thái thiếu tự tin, cô đơn khi một mình, mất cân bằng cuộc sống, khủng hoảng về tài chính; nếu có con thì các bé sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất vì thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Cho nên những đôi bạn trẻ nếu có ý định ly hôn thì cần phải cân nhắc thật kỹ những hệ lụy, hậu quả mà bản thân và những người phụ thuộc sẽ gặp phải trước khi quyết định việc ly hôn.
Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn
Nếu cuộc hôn nhân không thể cứu vãn thì giải pháp cuối cùng là giải thoát cho nhau, việc ly hôn sẽ diễn ra như một tất yếu của cuộc sống. Theo quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, về thẩm quyền của tòa án khi thụ lý giải quyết vụ án ly hôn như sau: “Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.
Trình tự, thủ tục ly hôn thuận tình
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được xác định là việc dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Theo đó, thủ tục này gồm các bước sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ công nhận thuận tình ly hôn tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng (hồ sơ có thể gửi đến tòa án qua đường bưu điện).
- Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án.
- Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết (còn tiếp).
HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG