Hiện nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ tự phát, chợ truyền thống, các điểm mua sắm và đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.
Dễ mua nhầm hàng giả
Mặc dù tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm nhưng các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm pháp. Nguyên nhân đầu tiên của biểu hiện trên là do lợi nhuận từ những hoạt động này.

Đặc biệt là môi trường thương mại điện tử, chỉ cần một vài thao tác đơn giản là người tiêu dùng đã có thể chốt đơn một cách nhanh gọn qua các buổi bán hàng livestream trên mạng xã hội (MXH) hoặc các trang thương mại điện tử lớn hiện nay. Hình thức kinh doanh trên MXH và các trang thương mại điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến, nở rộ và khó kiểm soát chất lượng hàng hóa. Khách hàng chỉ mất vài phút, thậm chí vài giây đã có thể mua được hàng hóa qua livestream hoặc trên các nền tảng MXH. Các nền tảng MXH và các sàn giao dịch thương mại điện tử được đánh giá là kênh tiêu thụ chính của hàng giả, hành vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, do tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng mang nhãn hiệu ngoại, nhưng giá rẻ. Đây chính là yếu tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả lưu hành thuận lợi. Các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nên mua những sản phẩm trôi nổi trên thị trường sau đó đóng gói thành những thương hiệu nổi tiếng rồi mang đi tiêu thụ, bày bán trên thị trường trong khi người tiêu dùng lại thiếu cảnh giác, ham rẻ hoặc thiếu thông tin để nhận diện hàng giả.
Xử lý nghiêm để răn đe
Trong đợt thực hiện cao điểm tấn công tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 19-12- 2024 đến ngày 28-12-2024, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra và đã phát hiện 10 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ được vận chuyển bằng tàu hỏa từ các tỉnh phía Bắc về Bình Dương để tiêu thụ; hàng hóa tạm giữ ước tính khoảng trên 1,6 tỷ đồng. Các vụ việc, hiện đang được lực lượng chức năng xác minh, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 67 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, ra quyết định xử phạt hành chính 24 vụ với số tiền phạt hơn 700 triệu đồng. Trong đợt tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã đưa 11 đối tượng vào diện quản lý nghiệp vụ và xác lập hồ sơ nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá đối với các đối tượng có biểu hiện hoạt động phức tạp trên địa bàn.
Theo Luật sư Trần Lê Vân Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Lê, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh, để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cũng như sự chung tay của cộng đồng. Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là các chợ tự phát, chợ truyền thống và các nền tảng thương mại điện tử. Tuyên truyền phổ biến pháp luật đến thương nhân, để họ hiểu về hành vi và hậu quả pháp lý của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời công khai thông tin về các vụ việc để răn đe. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua hàng giả gây thiệt hại cho chính mình.
Thiếu tá Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an tỉnh, cho biết thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, đơn vị tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chuyên đề phòng, chống tội phạm về môi trường, khai thác khoáng sản trái phép trên sông Thị Tính, Đồng Nai, Sài Gòn và lòng hồ Dầu Tiếng; vi phạm về an toàn thực phẩm... |
TÂM TRANG