Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 24-4-25 20:18:18
Hotline: 0274 383 347

Về chợ Thủ nhớ tiếng lộc cộc của… ô tô hí!

0

Xin được chia sẻ chiếc xe ô tô hí mà tôi nhắc đến ở đây chính là xe ngựa (xe thổ mộ), một thời là phương tiện giao thông chính ngày đêm dùng để vận chuyển hàng hóa và hành khách có nhu cầu đi lại từ các vùng phụ cận xung quanh chợ Thủ Dầu Một.

Nhân dịp xem chương trình Tôi yêu Bình Dương của Báo Bình Dương giới thiệu về ngôi chợ Thủ Dầu Một đậm nét truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời ở Bình Dương khiến tôi bỗng thấy nhớ một thanh âm rất quen thuộc không lẫn vào đâu được. Đó chính là tiếng gõ lộc cộc của chiếc xe ngựa chở hàng bông vào những buổi sáng tinh mơ từ Phú Chánh, Phú Hòa, Bưng Cầu, Bến Thế…ra chợ Thủ.

Vào những năm 1970-1980, tôi còn là một cậu bé. Nhà tôi cách chợ Thủ chừng 1km. Thỉnh thoảng tôi được má cho đi xe ngựa từ nhà ra chợ xách giỏ phụ má mua thịt, cá, hoa quả vào những ngày nhà có giỗ hoặc đám tiệc, đặc biệt là những ngày giáp Tết Nguyên đán. 

Chiếc xe thổ mộ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương

Do móng ngựa bọc bằng sắt nên những chiếc xe ô tô hí mỗi khi chạy trên đường lúc nào cũng vang lên tiếng lộc cộc, lộc cộc như hòa âm cho những câu chuyện nhân tình thế thái của những hành khách trên chuyến xe đang rôm rả kể cho nhau nghe thêm hấp dẫn và sôi nổi hơn. 

[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]

Xe chạy chở theo cỏ, nhờ một chú ngựa to khỏe vừa kéo xe vừa ăn cỏ, thỉnh thoảng hí vang lên nên được mọi người gọi vui là xe ô tô hí. Chiếc xe thô sơ được đóng bằng gỗ mít nhưng trên xe luôn có một chiếc chiếu sạch cho khách ngồi lịch sự, đàng hoàng, có hai cọc sắt hai bên phía sau xe cho khách máng giày dép vào trước khi leo lên. Tuy thùng xe hơi chật nhưng người đi xe vẫn thích vì ngày đó đường rộng người thưa, xe cộ rất hiếm và hai bên đường cũng không nhiều nhà cửa như bây giờ, nên mọi phía lúc nào cũng có gió thổi mát rượi. Đang đi bộ toát mồ hôi mà đón được chiếc xe ngựa thì khách bộ hành mừng như nắng hạn gặp cơn mưa rào.

Ông Trần Văn Hai (tức Hai Sộp), phường Hưng Định, TP.Thuận An, Bình Dương bên chiếc xe thổ mộ còn lưu giữ của gia đình

Trên xe còn có đèn dầu thắp sáng khi trời tối, có lục lạc báo hiệu xin đường, có mui xe che mưa che nắng cho hành khách… Chiếc mui xe ngựa cong như vòng cung là hình ảnh tạo nên ý tưởng ngộ nghĩnh cho một kiểu tóc của các bé trai mà hồi nhỏ má tôi dẫn anh em tôi đến tiệm cắt tóc chỉ cần nói cắt kiểu mui xe ngựa là bác thợ cắt tóc hiểu ý và gật đầu liền. Cho đến tuổi thanh thiếu niên, anh em tôi mới được phép để tóc dài và chải bảy ba bắt chước theo các nam kịch sĩ trên truyền hình.

Ngày đó, gần nhà tôi là nhà chú Hai đánh xe ngựa. Chú có một người con trai trạc bằng tuổi tôi tên Hưng. Thỉnh thoảng, Hưng biểu diễn màn cưỡi ngựa phi như bay từ nhà ra bến sông tắm ngựa khiến đám thiếu niên mới lớn nhìn theo mà thèm làm được giống như vậy. 

Tôi thường hay theo Hưng ra bờ sông đường Bạch Đằng chỗ có bến tắm cho ngựa để tập bơi. Tiếng cười đùa rộn rả bên dòng nước mát trên con sông Sài Gòn chảy qua chợ Thủ ngày nào giờ vẫn còn văng vẳng bên tai mỗi chiều khi tôi đi ngang qua khúc sông xưa - giờ đây tấp nập người đi dạo dưới ánh đèn đường rực rỡ sắc màu.

Lịch sử ngành giao thông - vận tải đã sang trang, những chiếc xe ngựa huyền thoại một thời quanh chợ Thủ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức là những thanh âm lộc cộc, lộc cộc rộn rả reo vui và hình ảnh những chiếc xe ngựa chở đầy hàng bông cùng những cô thiếu nữ má đỏ môi hồng hối hả ngược xuôi về chợ Thủ mỗi độ xuân về trên khắp quê hương.

Hồng Phúc

Từ khóa: Báo Bình Dương

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Bình Dương trong tôi

Bình Dương trong tôi là cánh đồng no gió ru ngủ mục đồng say giấc trong mùi rơm rạ để đàn bò lục tục kéo về quên buổi chiều lan tỏa trong đêm.

Tôi và bạn

Tôi ở bên đây bờ sông Sài Gòn, thuộc địa phận của huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Bạn ở bên kia bờ sông Sài Gòn, hướng về chợ Thủ Dầu Một, thuộc TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Ký ức tuổi thơ

Nếu ai đã từng đọc quyển sách “Dĩ An xưa và nay” thì Dĩ có nghĩa là mãi mãi, An có nghĩa là bình yên và sẽ cảm nhận được vùng đất này khi xưa có biết bao hiểm nguy với rừng thiêng nước độc, bệnh tật và thú dữ…

Sân chơi ý nghĩa và giàu cảm xúc

“Đây thực sự là một sân chơi rất ý nghĩa để các bạn trẻ như em có dịp thể hiện tình yêu của mình với quê hương”.

Bình Dương quê tôi vùng đất nghĩa tình

Chiếc xe buýt từ từ lăn bánh, đưa tôi về với miền đất yêu thương. Bình Dương ngày ấy với những trang hùng ca vẻ vang còn sống mãi trong trái tim cháy bỏng của mỗi người dân nơi đây.

Sân chơi ý nghĩa khơi gợi tình yêu Bình Dương

Với mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh về một Bình Dương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đến với bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước, Báo Bình Dương đã tổ chức cuộc thi...

Bình Dương sâu nặng nghĩa tình

Qua những tháng năm được sống và hòa nhập với xung quanh, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, bên cạnh ý chí kiên trung, bất khuất, tinh thần năng động, sáng tạo thì tấm lòng hào sảng, bao dung, trọng nghĩa tình là những nét đặc trưng...

Bình Dương trong tôi

Bình Dương! Hai tiếng gọi thân thương ấy từ lâu đã khắc sâu trong tiềm thức của rất nhiều người.

Về thăm đất Thủ nhân ái, nghĩa tình

Ai đã một lần đến với đất Thủ, vùng đất có quá trình lịch sử, văn hóa lâu đời, với hơn 300 năm khai phá và phát triển của vùng đất phương Nam sẽ cảm nhận được rõ hai chữ nhân ái, nghĩa tình hiện diện nơi đây.

Bình Dương hào sảng, nghĩa tình

Tôi nói với anh, đất Bình Dương cái gì cũng rẻ, người Bình Dương hào sảng, nghĩa tình.