Mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm đã không còn xa lạ với nhiều nông dân tại xã Hiếu Liêm. Không chỉ mở hướng kinh doanh mới, mô hình này đang thổi “luồng gió mới” vào quá trình phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả
Với sự đồng hành của các cấp, các ngành, hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp, đặc biệt là vùng cây ăn trái trên địa bàn xã Hiếu Liêm đang phát triển theo quy mô lớn, thân thiện môi trường; nhiều trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả.
Có thể kể đến HTX Nhân Đức (ấp Cây Dâu), có tổng diện tích trồng cây ăn trái có múi 80 ha. Hàng năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 35-50 nhân công tại địa phương. Mục tiêu của HTX là trồng cây ăn trái hữu cơ. Hiện tại năng suất vườn cây của HTX đạt 50-60 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX trồng thành công 26 ha mít Thái, mang lại thu nhập rất tốt. Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức, cho biết hiện giá bán sản phẩm trồng theo phương thức hữu cơ cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại trồng theo cách bình thường, đồng thời giảm được 60% chi phí so với cách làm cũ. Những năm qua, HTX luôn đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật nên các hội viên HTX có điều kiện chuyển đổi trồng trọt theo phương thức hữu cơ, loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, chú trọng vào sản xuất sạch để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm giá bán ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hiếu Liêm có nhiều nông dân phát triển mô hình HTX, nông nghiệp xanh thành công, như gia đình chị Bùi Thúy Hằng, trang trại ông Võ Quan Huy, ông Lâm Thành Thắm, ông Lâm Thành Thương… Các nông dân chuyên trồng cây ăn trái có múi, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng chất nông thôn mới tại địa phương.
Nâng tầm dịch vụ du lịch
Không chỉ chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, tìm hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Hiếu Liêm còn gây ấn tượng với mô hình trồng trọt hữu cơ gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm. Điển hình là ông Lâm Thành Thương, người tiên phong trồng cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi), áp dụng kỹ thuật cao để cây cam, cây quýt ra trái quanh năm. Ông Thương cũng là người đầu tiên trên địa bàn áp dụng phương pháp ép cây ra quả trái vụ, bằng cách phủ bạt nhựa lên các liếp
cam. Cách làm này là một trong những bí quyết nhằm tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây. Nhiều nông dân nhận thấy cách làm này hiệu quả nên học hỏi, thực hiện. Mô hình này cho năng suất trung bình hơn 50 tấn/ha; giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, vài năm gần đây, ông Thương đã đưa hơn 10 ha quýt hồng của gia đình vào phục vụ du lịch nhằm tạo sự mới lạ, thu hút du khách đến vùng đất chuyên canh cây có múi. Ông Thương cũng liên kết với các nhà vườn để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch. “Khi phát triển mạnh, mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ giải quyết thêm việc làm, tạo ra thương hiệu cho vùng đất, cây trái ở Hiếu Liêm mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn”, ông Thương chia sẻ.
Còn tại “Sol Retreat Farm” rộng trên 10 ha của chị Nguyễn Thị Xuân Thu, cũng thu hút hàng ngàn lượt du khách đến trải nghiệm, doanh thu đạt hàng tỷ đồng hàng năm (bao gồm hoạt động sản xuất và du lịch). Chị Thu cho hay thời gian qua, trang trại của chị mở cửa đón khách vào khu trồng dược liệu, với các hoạt động trải nghiệm thực tế quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, thu hoạch sản phẩm, chế biến các loại hương liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường. Hiện tại, chị nâng tầm hoạt động trải nghiệm sang khu trồng cây ăn trái. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế hoạt động canh tác, trực tiếp thưởng thức các loại trái cây chất lượng cao.
Theo chị Thu, để phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch, những năm qua chị chủ động triển khai canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nói không với hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu độc hại; ưu tiên sử dụng các hợp chất hữu cơ, thân thiện môi trường. “Khách du lịch đến trải nghiệm cũng được chúng tôi khuyến cáo không xả rác bừa bãi để bảo vệ môi trường. Các loại rác thải phát sinh được thu gom, tập trung và xử lý đúng theo quy định, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp”, chị Thu nói.
Ông Nguyễn Trọng Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Hiếu Liêm: Với thế mạnh về tự nhiên, Hiếu Liêm có không gian, điều kiện thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch được du khách ưa chuộng hiện nay. Thời gian tới, để phát triển, phát huy hiệu quả các điểm đến du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái, xã tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư mô hình trang trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách tham quan, nâng tầm du lịch sinh thái địa phương… |
TRÚC HUỲNH - PHƯƠNG THANH