Hotline: 0274 383 347
Chủ nhật, 27-4-25 14:45:29

Xử lý nhanh gọn các ổ dịch để giữ vững “vùng xanh”

0

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương, trong chuyến thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 các huyện phía Bắc của tỉnh. Ông Thao đề nghị các địa phương tích cực, khẩn trương và quyết liệt hơn trong công tác khoanh vùng kiểm soát, xử lý nhanh gọn các ổ dịch để giữ vững “vùng xanh”, làm hậu phương vững chắc cho tỉnh.


Ông Nguyễn Hoàng Thao thăm, tặng quà cho lực lượng tuyến đầu tham gia công tác PCDB ở huyện Dầu Tiếng

Ưu tiên công tác phòng, chống dịch

Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, việc cố gắng hoàn thành “mục tiêu kép” là một bài toán lý tưởng trong điều kiện dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng lây lan, bùng phát trên diện rộng và khó kiểm soát như hiện nay thì ưu tiên hàng đầu là công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. 

Những địa phương đang là “vùng đỏ” cần cố gắng tập trung toàn lực vào mục tiêu ngắt dịch, dập dịch trong thời gian sớm nhất để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong khi đó, những địa phương ở “vùng xanh” cần linh hoạt ứng biến, tính toán phương án phù hợp để hiệu quả phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể tạm thời hoãn việc phát triển kinh tế để tập trung toàn bộ nguồn lực cho công tác chống dịch.

Lấy ví dụ về huyện Dầu Tiếng, ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng địa phương này cần siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) bằng cách áp dụng nghiêm túc, triệt để Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Cùng với việc duy trì hoạt động có hiệu quả những chốt kiểm soát dịch bệnh liên vùng và nội khu, ông cũng đề nghị huyện Dầu Tiếng lập các tổ công tác liên ngành tiến hành tuần tra, kiểm tra các doanh nghiệp. Theo đó, những doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết của mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” cần yêu cầu dừng hoạt động. 

“Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, có đóng góp nhiều hay ít cho nền kinh tế địa phương cũng cần phải tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch. Sẽ không có bất cứ sự ưu tiên, ưu ái nào ở đây”, ông Nguyễn Hoàng Thao khẳng định.

Đối với công tác xử lý các ổ dịch mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các địa phương khẩn trương, tức tốc hơn trong công tác ứng phó; cố gắng triển khai các khâu một cách nhanh nhất có thể để kịp thời khoanh vùng kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh. Công tác kiểm soát dịch bệnh ở những địa phương có tính đặc thù sản xuất nông nghiệp với số lượng dân cư ít, phân bố thưa có phần dễ hơn các địa phương phát triển công nghiệp, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. 

Cùng với việc duy trì hoạt động có hiệu quả các chốt kiểm soát, các địa phương cũng cần thành lập, kiện toàn và tổ chức tuần tra thường xuyên để bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp và người dân luôn tuân thủ nghiêm túc giãn cách xã hội.

Chăm sóc, bảo vệ tuyến đầu

Đến thời điểm này, Bình Dương được xác định là một trong những “chảo lửa” Covid-19 lớn nhất cả nước. Sự gia tăng về số lượng các ca mắc Covid-19 cùng với những áp lực vô hình trong thực hiện nhiệm vụ đã khiến lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch đang vô cùng vất vả. 

Việc cần thiết của các địa phương là cố gắng chăm sóc, bảo vệ thật tốt tinh thần và thể chất của lực lượng tuyến đầu. “Không được để cho tuyến đầu thiếu thốn, đói khổ”, ông Nguyễn Hoàng Thao nói.


Ông Nguyễn Hoàng Thao và đoàn công tác tỉnh thăm, làm việc và kiểm tra công tác PCDB tại huyện Bắc Tân Uyên. Trong ảnh: Đoàn công tác lắng nghe phản hồi của lực lượng tuyến đầu ở khu cách ly tập trung trường Tiểu học Tân Thành

Ghi nhận từ thực tế của phóng viên Báo Bình Dương cho thấy, kể từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay lực lượng tuyến đầu - thành trì bảo vệ toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 - đã phải đương đầu với khó khăn, thử thách gần 3 tháng. Trong suốt thời gian đó, lực lượng tuyến đầu đã quên đi miếng ăn, giấc ngủ của mình để chung tay khoanh vùng kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh. 

Tâm sự với chúng tôi trong giây phút giải lao hiếm hoi trong ngày, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết kể từ khi trung tâm chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại chỗ, anh chị em cán bộ, nhân viên y tế đã có nhiều đêm không ngủ.

Là đơn vị y tế cấp cơ sở đầu tiên của tỉnh thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại chỗ, những ngày đầu cán bộ, nhân viên y tế nơi đây vẫn còn khá lúng túng và thiếu kinh nghiệm. Nhưng sau một tuần đi vào hoạt động, mọi thứ đã trơn tru và chuyên nghiệp hơn hẳn. “Dù khá căng thẳng và mệt mỏi nhưng được sự động viên, tiếp sức của tỉnh, thành phố và sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước nên chúng tôi vẫn luôn cố gắng chiến đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bác sĩ Phương nói. 

Được biết, đến nay Trung tâm Y tế TP.Thuận An đã chữa khỏi cho hơn 200 bệnh nhân Covid và những người này đã được về nhà tiếp tục cách ly y tế, theo dõi tình trạng sức khỏe.

Tiếp chuyện chúng tôi tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một, lực lượng trực chốt (các chiến sĩ công an, quân đội, dân quân, bảo vệ dân phố, đoàn viên thanh niên…) dù đang khá căng thẳng và mệt mỏi nhưng vẫn luôn vui tươi. Các bạn kể, khi tham gia trực chốt tại đây, từng miếng ăn đều được lo đủ đầy. Dù phải ăn vội, uống vội và ngủ vội để bảo đảm sự hoạt động của chốt kiểm soát dịch bệnh nhưng trên khuôn mặt ai cũng nở nụ cười, như thể tượng trưng cho chiến thắng đại dịch đang đến gần kề.

Ông Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu các địa phương phải lập danh sách trang thiết bị, nhu yếu phẩm dự chi cho lực lượng tuyến đầu để bảo đảm thành trì bảo vệ toàn dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 luôn khỏe mạnh về thể chất và hăng hái trong tinh thần quyết chiến với đại dịch. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lực lượng tuyến đầu vì thiếu ăn, thiếu trang bị bảo hộ dẫn đến bị ốm đau, bệnh tật hoặc chán nản, tiêu cực. 

Các địa phương cũng cần có kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ hơn cho lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch và sử dụng có hiệu quả lực lượng này. Những công tác nếu không cần thiết có thể rút lực lượng cán bộ, nhân viên y tế về để dưỡng sức, sẵn sàng cho những “trận đánh lớn” phía sau.

Đình Thắng

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để dịch bùng phát

Sáng 13-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện chu đáo Hội thảo khoa học về phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội

Sáng 8-9, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp Tổ nội dung Hội thảo khoa học “Công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội từ thực tiễn tỉnh Bình Dương và vùng Nam bộ”.

Tiếp tục đốc thúc đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19

Sáng 25-8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19.

Phát động tháng cao điểm phòng chống dịch và tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Sáng 19-8, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đã tham dự Lễ phát động Tháng cao điểm Phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin...

Thống nhất chương trình Hội thảo khoa học “Công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội từ thực tiễn Bình Dương và vùng Nam bộ”

Sáng 11-7, Ban tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội từ thực tiễn Bình Dương và vùng Nam bộ” đã tổ chức họp triển khai công tác tổ chức hội thảo.

7 ngày qua tỉnh Bình Dương ghi nhận 92 ca mắc Covid-19

Sáng 23-5, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Hội thảo khoa học về công tác phòng chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế-xã hội dự kiến diễn ra vào tháng 9-2022

Sáng 10-5, các sở, ngành trong tỉnh đã có buổi họp bàn về công tác chuẩn bị Hội thảo khoa học về thực thi chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở vùng Nam Bộ và tỉnh Bình Dương.

Bộ Y tế giải quyết vướng mắc về khai báo y tế trước khi xuất nhập cảnh

Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong ngày 26/4, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy định cụ thể điều kiện y tế về phòng, chống dịch để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Sẽ có chế tài nếu người lao động không chịu tiêm đủ các mũi vắc xin ngừa Covid-19

Sáng 18-4, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chính phủ đồng ý tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Chính phủ quyết nghị đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.