Hotline: 0274 383 347
Thứ sáu, 18-7-25 03:40:19
Hotline: 0274 383 347

Ba trụ cột kiến tạo tương lai bền vững

0

“Ba trục phát triển đồng quy” được đề cập trong tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nêu rõ 3 lực lượng kiến tạo tương lai bền vững là chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp; trong đó vai trò của chính quyền là kiến tạo, nhân dân đồng hành và doanh nghiệp hành động. Tuy có vai trò, nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả cùng hướng đến mục tiêu tối thượng là xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ, hạnh phúc của con người.

 Thành phố mới Bình Dương với nhiều công trình, dự án tầm cỡ quốc gia là kết quả của chính quyền kiến tạo, nhân dân đồng hành và doanh nghiệp hành động. Ảnh: Q.CHIẾN

 Chính quyền kiến tạo

Nhiệm vụ kiến tạo của chính quyền bao gồm định hướng, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, hình thành chính sách đặc thù của địa phương trên cơ sở hưởng ứng, tiếp thu các chủ trương, đường lối có tính mở đường của Trung ương. Chính quyền kiến tạo có nhiệm vụ kêu gọi nhân dân đồng hành, tổ chức cho các doanh nghiệp hành động, huy động các nguồn lực phục vụ. Chính quyền kiến tạo bảo đảm phân phối công bằng các tài nguyên, chia sẻ cả thành công và thất bại với doanh nghiệp nhưng không làm thay cho doanh nghiệp.

Để đảm đương nhiệm vụ kiến tạo, chính quyền địa phương đã được Bình Dương dày công xây dựng. Bên cạnh các tiêu chí về năng lực, phẩm chất chung có tính chất toàn quốc, chính quyền Bình Dương còn được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng và cả phong cách cần thiết, thích hợp với nhiệm vụ kiến tạo kinh tế - xã hội ở một địa phương có định hướng phát triển theo “làn sóng thứ ba” văn minh hậu công nghiệp, lấy chất lượng sống tốt đẹp, văn minh, tiến bộ, đậm đà bản sắc văn hóa của người dân là mục tiêu tối thượng. Đó là một chính quyền trọng dân trên cơ sở đạo lý nghĩa tình và pháp luật; vì dân nên luôn tôn trọng, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân.

Chính quyền đó ngay từ sớm đã hình thành một phong cách phù hợp với xã hội hậu công nghiệp và đô thị văn minh. Phong cách đó không chỉ để ứng xử văn minh, lịch lãm với nhà đầu tư nước ngoài mà còn là sự trân quý, nghĩa tình với nhân dân. Chính quyền đó phải có năng lực kiến tạo phù hợp với đặc điểm và định hướng phát triển của tỉnh. Năng lực đó được đào tạo từ các trường lớp chung của Trung ương và được định kỳ thường xuyên bồi dưỡng bằng các lớp ngắn hạn của tỉnh. Nói chung, chính quyền kiến tạo ở Bình Dương trong hơn 26 năm qua vẫn là một thành phần của hệ thống chuyên chính vô sản nhưng luôn ý thức và chuẩn bị tư thế, năng lực để kiến tạo xã hội tốt đẹp theo hướng văn minh hậu công nghiệp.

 GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

“Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự kết hợp thành công giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của Trung ương được thể chế hóa, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương; giữa sự đồng hành, chia sẻ của chính quyền với doanh nghiệp và người dân; giữa sự gắn kết chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa”.

Nhân dân đồng hành

Nhân dân đồng hành theo phân công xã hội và theo quy định pháp luật; đồng hành cả khi khởi động cho đến kết thúc và chia sẻ, thụ hưởng mọi thành quả thành công hay thất bại. Do vậy, để nhân dân đồng hành phải thực hiện nghiêm quy tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Trong hơn hai thập kỷ qua, cư dân Bình Dương có sự chuyển biến quan trọng và sâu sắc. Trong mô hình phát triển tổng thể của mình, Bình Dương đã tiên liệu được và đã tự điều chỉnh nhận thức của nhân dân địa phương theo kịp đà các chuyển biến đó.

Đến nay, người Bình Dương cố cựu đã sống chan hòa, thân thiết với nhiều lớp người mới đến định cư. Tất cả đều được hiểu đó là người Bình Dương, nằm trong phạm trù tổng thể nhân dân địa phương Bình Dương. Các tên gọi “dân nhập cư”, “dân nơi khác đến” đã nhanh chóng biến mất và lùi vào quá khứ. Mọi người sinh sống trên địa bàn tỉnh đều là “dân Bình Dương”, đều có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của cư dân, đều là đối tượng chăm lo của chính quyền. Do vậy, việc tạo sự đồng hành của nhân dân ở Bình Dương đòi hỏi phải có các phương thức thích hợp.

Đô thị hóa ở Bình Dương có tỷ lệ rất cao, với 84%, bằng TP.Hồ Chí Minh và thuộc tốp cao nhất cả nước. Do đó, khái niệm nhân dân ở Bình Dương cũng chuyển biến theo chiều phát triển đô thị, không chỉ là đô thị công nghiệp kiểu cũ mà là đô thị có định hướng và tầm nhìn đô thị thông minh. Trong đó có sự xuất hiện khá đa dạng của các nhóm văn hóa (culture groups) và các tiểu văn hóa (subculture) với nhiều đặc điểm nổi bật của các nhóm xã hội đô thị trẻ. Sự đồng hành của các nhóm xã hội này với các chương trình kiến tạo của chính quyền luôn được Bình Dương quan tâm và tôn trọng.

Doanh nghiệp hành động

Khái niệm doanh nghiệp được hiểu là toàn thể các doanh nghiệp liên quan đến nhiệm vụ phát triển của các chương trình kiến tạo, cả doanh nghiệp vốn Nhà nước, ngoài Nhà nước, vốn trong hay ngoài nước. Thực tế ở Bình Dương trong hơn một phần tư thế kỷ qua, địa phương đã xây dựng được nhóm doanh nghiệp nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ thuộc quốc kế dân sinh (tạm gọi đó là nhóm doanh nghiệp nghĩa vụ, doanh nghiệp đầu tư chiến lược).

Bên cạnh việc kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận như hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác, nhóm doanh nghiệp nghĩa vụ chịu trách nhiệm đảm đương, gánh vác các công trình trọng điểm của địa phương mà có thể các doanh nghiệp khác không quan tâm do sự kém hấp dẫn về lợi nhuận của công trình. Tiêu biểu cho nhóm này là Tổng Công ty Becamex IDC - đơn vị đã thầm lặng đảm đương hầu hết các công trình trọng điểm của địa phương, một mô hình doanh nghiệp chưa từng có ở các địa phương khác. Chính vì vậy, khi đánh giá nhận xét về đơn vị này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cả lãnh đạo Trung ương đều chung ý kiến: “Becamex IDC là mô hình công ty phát triển rất thành công, có một vai trò hết sức quan trọng góp phần định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong suốt thời gian qua. Thành công đó là điều mà đến nay chưa có tập đoàn kinh tế nào làm được ở những địa phương khác trong cả nước và góp phần khẳng định một bài học kinh nghiệm là địa phương muốn phát triển kinh tế - xã hội rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn…”.

Bình Dương hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp có quy mô, trình độ, chất lượng khá cao, tuy nhiên địa phương vẫn chú trọng kiến tạo thêm nhóm doanh nghiệp nghĩa vụ, doanh nghiệp đầu tư chiến lược. Sáng tạo này của Bình Dương tuân thủ hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp tập quán kinh doanh quốc tế, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo đà cho doanh nghiệp tiến lên tầm cao mới.

LÊ QUANG

TIÊU ĐIỂM

XEM NHIỀU

Những công trình góp phần kiến tạo tương lai

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh), nhiều tuyến đường giao thông hiện hữu của tỉnh sẽ kết nối với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Ba trụ cột kiến tạo tương lai bền vững

“Ba trục phát triển đồng quy” được đề cập trong tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”

Con đường “phát triển thông minh” của Bình Dương

Bình Dương không phải là vùng của lương thực lúa gạo, không phải là vùng của “bách tính” đông dân hay “bách nghệ” tinh xảo, cũng không có sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế…

GS-TS Tạ Ngọc Tấn: Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ nếu tiếp cận được sự chuyển động mới của khoa học công nghệ…

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, Bình Dương đã tiên phong với những lựa chọn và cách làm đúng đắn để trở thành một trong những địa phương thành công nhất Việt Nam

Quốc phòng vững chắc - Yếu tố để phát triển bền vững

Để bảo đảm ổn định về chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đã đặt ra cho lực lượng vũ trang tỉnh những yêu cầu mới, khó khăn và hết sức cấp bách.

Dấu ấn đối ngoại 2024: Đột phá ngoại giao kinh tế

Kết thúc năm 2024, kinh tế của tỉnh Bình Dương được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao so với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sức sống của một không gian văn hóa đặc biệt

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

“Quả ngọt” nông nghiệp công nghệ cao

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể...

Bình yên trên những cung đường

Mỗi dịp tết đến, xuân về, trong bầu không khí rộn ràng, người xe lại tấp nập trên các cung đường được trang trí sắc màu rực rỡ.

Mang tết đến với người lao động

Cuối năm, người lao động về quê đón tết, sum họp với gia đình đã được các cấp công đoàn chuẩn bị chu đáo tàu, xe. Người ở lại cũng được địa phương chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần thông qua các hoạt động vui xuân, đón tết.