Hotline: 0274 383 347
Thứ tư, 30-4-25 07:24:30

Bình yên trên quần đảo Hải Tặc

0

Quần đảo Hải Tặc có 18 hòn đảo, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 đảo chìm. Với tên gọi “Hải Tặc” đã gây được sự tò mò, vô tình tạo nét riêng, thu hút du khách đến tham quan, du lịch và tìm hiểu về quần đảo này. Đặc biệt, trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền từ năm 1958. Đây là minh chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Tổ quốc ta.

 Vẻ đẹp yên bình và quyến rũ trên quần đảo Hải Tặc 

Chủ quyền quốc gia

Trong chuyến công tác thăm, chúc tết quân và dân đang công tác, sinh sống trên các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, chúng tôi có dịp đến thăm, chúc tết quân và dân trên quần đảo Hải Tặc thuộc xã đảo Tiên Hải, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Từ xa, quần đảo hiện lên như một bức tranh thơ mộng, trù phú. Khi tàu cập cảng đảo Hòn Đốc, trung tâm của xã đảo Tiên Hải, khung cảnh yên bình càng rõ nét hơn. Dưới cảng, có nhiều tàu cá neo đậu. Ngay cầu cảng là trụ sở UBND xã, trạm y tế, đồn biên phòng, trường học, nhà máy cấp nước sạch, chợ được xây dựng khang trang. Theo như lời giới thiệu, điều khác biệt trên quần đảo này so với các đảo, điểm đảo khác ở vùng biển Tây Nam là đã được hòa điện lưới quốc gia từ năm 2019 để phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Đến đảo Hòn Đốc, điểm đầu tiên mà du khách thường tìm đến là cột mốc chủ quyền trên đảo, nằm bên bờ biển, ven con đường từ cảng rẽ phải lên Trạm Rada 625. Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giong, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bờ Đập, hòn Đồi Mồi. Từ lâu, bia chủ quyền đã trở thành niềm tự hào của người dân đảo và là điểm đến cho du khách khi đến Hòn Đốc.

 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải trên xã đảo Tiên Hải

Điểm đến hấp dẫn

Đi một vòng quanh đảo, những điều mà chúng tôi thấy hoàn toàn khác xa so với sự tưởng tượng về quần đảo Hải Tặc - nơi mà theo lời kể, đây chính là nơi mà bọn cướp biển từng ẩn náu. Cuộc sống người dân trên đảo bình lặng, yên ả...

Theo lịch sử Hà Tiên ghi lại, vào thế kỷ XVII, Tổng trấn Mạc Thiên Tích nhiều lần lệnh cho các tướng lĩnh ra dẹp loạn cướp biển ở đây và tên gọi quần đảo Hải Tặc xuất hiện từ đó. Một vài thành viên của bọn cướp biển người bản địa vẫn còn để lại dấu tích ở đất đảo Tiên Hải. Lý giải cho cái tên “Hải Tặc”, ông Nguyễn Thanh Ngọc, khoảng 70 tuổi, nhà ở khu vực Bãi Nồm, kể: “Tôi đã sống ở đảo được 40 năm. Ngày trước được nghe các cụ truyền miệng rằng: Tên gọi đảo Hải Tặc ra đời gắn liền với sự xuất hiện của một băng cướp biển có tên “Cánh buồm đen” hoạt động trên vùng biển này. Chúng lấy những hòn đảo hoang trong vịnh Xiêm La làm hang ổ ẩn mình. Từ đây, bọn cướp biển bất ngờ xuất hiện, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay. Tiền, vàng cướp được chúng mang lên đảo cất giữ. Cái tên “Hải Tặc” được quen gọi từ đó. Sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản, an ninh, quốc phòng cả vùng biển đảo rộng lớn được giữ vững, dân cư trên đảo và tàu thuyền hoạt động qua lại trên vùng biển này được bình yên”.

Hiện nay, xã đảo có khoảng 480 hộ sinh sống với trên 1.900 nhân khẩu nằm rải rác ở các đảo: Hòn Tre, hòn Giang, hòn Ụ, hòn Đồi Mồi nhưng tập trung đông ở hòn Đốc, hòn Tre Lớn. Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, trên đảo còn có các lực lượng vũ trang đứng chân, như: Trạm Rada 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn biên phòng 738 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Người dân trên đảo sinh sống nhờ biển vàng ban tặng nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá, tôm, ghẹ, mực ống…

Đặc biệt, tháng 1-2018, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận quần đảo này là khu du lịch địa phương càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho xã Tiên Hải khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch, mời gọi thu hút đầu tư và giao lưu văn hóa, tăng thu nhập, nâng lên trình độ dân trí của người dân trên đảo.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã đảo Tiên Hải, cho biết: “Năm 2019, giá trị kinh tế từ nguồn lợi nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của xã đạt 67 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch trong năm đạt hơn 71.000 lượt, qua đó mang lại nguồn thu hơn 31,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2018. Đây là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho doanh thu của ngành thương mại, dịch vụ và du lịch năm 2019, đạt hơn 116 tỷ đồng. Cuối năm 2019, xã đảo Tiên Hải đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, là xã đảo đầu tiên của tỉnh Kiên Giang đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Kết quả đó không chỉ mang lại đổi thay to lớn cho người dân xã đảo Tiên Hải mà còn có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới biển, khẳng định quyền, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Người dân nơi đầu sóng ngọn gió vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống tinh thần còn thiếu thốn. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con nhân dân là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biển đảo, Đồn biên phòng Tiên Hải, Trạm Rada 625 đã làm rất tốt công tác dân vận. Những những người lính đảo đã cùng với chính quyền cơ sở chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân với nhiều hoạt động như vận động cất nhà đại đoàn kết, giúp đỡ tiền cho học sinh nghèo trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, hỗ trợ gạo khi những hộ dân gặp thiên tai, thiếu đói…

Chiều xuống nhanh trên cầu cảng Hòn Đốc. Chúng tôi xuống tàu, mang về đất liền những cảm nhận đầy thú vị về một quần đảo chứa đựng kho tàng giai thoại về cướp biển nhưng nay quá đỗi yên bình. Và, ở đó còn có những người đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc...

 Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo lớn nhỏ thuộc xã đảo Tiên Hải, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; trong đó đảo Hòn Đốc hay còn gọi là Hòn Tre Lớn là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 11km2, nằm cách đất liền 20km. Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm gần đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Vùng biển khu vực đảo Hòn Đốc có điều kiện tự nhiên và tài nguyên phong phú, giá trị kinh tế cao; đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Từ thế kỷ trước, nơi đây đã được xác định là một trong những đảo vành đai, then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

 THU THẢO

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.