Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 24-4-25 21:29:14

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

0

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió. Sự có mặt của những người thầy làm cho cuộc sống nơi đây thêm “nhiều hương vị”; cũng để thấy rằng tình cảm của đất liền luôn hướng về biển đảo quê hương.

Thầy Lê Xuân Hạnh trong giờ dạy học các em học sinh khối tiểu học ở thị trấn Trường Sa

Vượt khó “gieo chữ”

Những năm qua, tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) luôn duy trì 2 khối lớp tiểu học và mầm non ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Đá Tây A. Điều kiện cơ sở vật chất trường học nơi đây được đầu tư đầy đủ.

Thầy Lê Xuân Hạnh, phụ trách khối tiểu học trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, cho biết thầy tình nguyện ra quần đảo Trường Sa để dạy học được 2 năm nay. Việc dạy học ở đảo luôn giữ nề nếp, bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở đây, do mỗi khối lớp học không có nhiều học sinh để chia lớp, nên được tổ chức thành lớp ghép các khối từ lớp 1 đến lớp 4. Tuy lớp học có nhiều khối lớp nhưng nhà trường vẫn bảo đảm đúng giáo án, chương trình dạy theo quy định. Dù điều kiện học tập có thể không bằng đất liền nhưng các bé đều rất chăm ngoan, luôn cố gắng trong học tập. “Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc để chúng tôi cùng cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thầy Hạnh chia sẻ.

Phóng viên Báo Bình Dương trao quà, học bổng của Tỉnh ủy Bình Dương động viên và khích lệ tinh thần dạy, học của thầy và trò ở quần đảo Trường Sa

Cùng tâm huyết và nặng tình với học sinh hải đảo thân yêu, thầy Cao Văn Truyền, giáo viên khối mầm non trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, chia sẻ thầy tình nguyện ra đảo Trường Sa Lớn dạy học đã được 2 năm. Các em ở đảo có nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau trong một lớp học nên giờ lên lớp phải có phương pháp dạy phù hợp để các bé học và hiểu bài. Tuy điều kiện dạy học ở Trường Sa không được như ở đất liền nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương đã giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất, cùng với đó là các chế độ chính sách chăm lo chu đáo cho đội ngũ giáo viên nơi biên cương, hải đảo.

Là giáo viên duy nhất giảng dạy tại trường Tiểu học Đá Tây A, thầy Ưng Văn Tuấn tâm tình, được dạy học ở nơi đảo xa thuộc quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào của bản thân khi được “gieo chữ”, truyền đạt kiến thức cho các bé trên đảo. “Tôi chưa lập gia đình, khi nhận được thông tin tuyển giáo viên để công tác ở đảo Đá Tây A, tôi đã đăng ký tình nguyện nhận nhiệm vụ đến đảo. Tuy điều kiện dạy và học ở đây có những khó khăn nhất định, nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ hải quân đang công tác tại đảo nên thời gian qua chất lượng học tập của các bé càng được nâng cao. Dù xa gia đình, xa đất liền nhưng vì các em thân yêu chúng tôi luôn cố gắng dạy dỗ các bé bằng cả tấm lòng của mình…”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Cao Văn Truyền tình nguyện đến đảo “gieo chữ” cho thế hệ tương lai của quần đảo Trường Sa

Vì thế hệ tương lai của Trường Sa

Chúng tôi đến thăm các ngôi trường ở quần đảo Trường Sa và được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các em học sinh nơi đây xem như những vị khách quý. Sự vui tươi, hồn nhiên của các em trong cuộc sống, trong học tập ở nơi biên cương, hải đảo chính là nguồn động viên lớn cho quân, dân trên đảo, để thấy nhịp sống hàng ngày ở đảo cũng không khác gì ở đất liền.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bé Trương Nguyễn Triệu Vy, học sinh lớp 4 ở đảo Trường Sa Lớn, hớn hở cho biết hàng ngày cháu được tới trường, được học cùng thầy và các bạn là những người gần nhà trên đảo cháu thấy rất vui. Còn chị Lê Thị Minh Diệu, cư dân thị trấn Trường Sa, chia sẻ cuộc sống của người dân trên đảo hiện nay ổn định. Tuy điều kiện học tập chưa thể bằng với đất liền, nhưng với sự tận tâm, nhiệt huyết của các giáo viên giúp các cháu ngoan, tiến bộ trong học tập, nên tất cả các gia đình trên đảo rất an tâm.

Cơ sở vật chất, sân chơi tại trường Tiểu học thị trấn Trường Sa được quan tâm đầu tư chu đáo

Chia sẻ cùng chúng tôi, cư dân ở quần đảo Trường Sa kỳ vọng với sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước và nhân dân mọi miền Tổ quốc, Trường Sa sẽ trở thành một “viên ngọc sáng”, một tiền đồn vững chắc của tỉnh Khánh Hòa, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, cho hay kết thúc chương trình học lớp 4 tại quần đảo Trường Sa các cháu đều được bố trí vào đất liền để tiếp tục theo học lớp 5. Dù điều kiện dạy và học ở Trường Sa còn những khó khăn so với đất liền nhưng với tinh thần vượt khó, thầy và trò trên đảo đã đạt được kết quả dạy và học tốt, bám sát với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cấp ủy, chính quyền, quân và dân thị trấn Trường Sa đã dành rất nhiều tình cảm, nguồn lực về vật chất, tinh thần để chăm lo cho các cháu có được môi trường học tập tốt nhất, tất cả vì thế hệ tương lai của Trường Sa.

MINH DUY

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.