Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 15-5-25 01:47:29

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

0

Khẳng định việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương thành 2 cấp là một “cuộc cách mạng” trong cải cách hành chính, song đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu bảo đảm bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường

Băn khoăn địa bàn rộng, khó sát dân, gần dân

Sáng 14-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi các nội dung liên quan tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã.

Đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi tổ chức đơn vị hành chính, hướng tới mô hình chính quyền 2 cấp sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân tốt hơn. Đây có thể xem là một “cuộc cách mạng” trong cải cách hành chính, và đại biểu tin tưởng vào sự thành công của bước cải cách này.

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu

Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ, sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân.

Đại biểu phân tích, việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể khiến nhiều địa danh gắn liền với lịch sử, ký ức người dân mai một. Bộ máy cũ chấm dứt tồn tại, hàng loạt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách buộc phải nghỉ việc, đối mặt với không ít khó khăn khi tái hòa nhập thị trường lao động. Một bộ phận chưa rõ nơi ăn chốn ở, việc làm ra sao.

“Người dân băn khoăn lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng vẫn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân? Tương tự với lực lượng công an xã, liệu địa bàn rộng có bảo đảm quản lý tốt khi có tình huống xảy ra?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Với một vài dẫn chứng kể trên, đại biểu đề nghị các ngành, các cấp cần sớm có câu trả lời, có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập đó là: Bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh 2

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Hận cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã.

Theo đại biểu, sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông hạn chế ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Do vậy, việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết.

Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã thì cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. Thí dụ trên cùng tuyến đường nhưng cùng thuộc quản lý của 2 phường, xã, thậm chí là nhiều hơn, việc đầu tư là của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng những nội dung như cây xanh, vỉa hè thì cần có sự thống nhất, mà ở đó Ủy ban nhân dân tỉnh không cần tham gia, ông Hận nêu quan điểm.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trên môi trường mạng, đồng thời phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, tận tụy với nhân dân; cùng với đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thông suốt từ xã đến tỉnh.

Bổ sung các điều kiện, nguồn lực bảo đảm thực hiện phân cấp

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh 3

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, cấp phường.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là cấp địa phương vì khối lượng công việc cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã là rất lớn.

“Hiện nay chỉ có 3 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chuyên trách là chưa phù hợp, cần tăng lên 4-5 đại biểu”, ông Trịnh Xuân An kiến nghị.

Cũng thống nhất cao với nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phân tích, dự kiến sẽ có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được giao cho cấp tỉnh.

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu

Do đó, nữ đại biểu cho rằng, cần cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị, tại khoản 9 Điều 15 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh), Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh trong “Giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án tỉnh và giám sát hoạt động của các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh” nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương.

Tại khoản 15 Điều 16, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung thêm phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành tại Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo nữ đại biểu, nếu chỉ phân cấp xuống dưới thì chưa đủ, phải phân cấp cho chính sở, ngành tương tự như đơn vị chuyên môn của sở, ngành.

Thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt cho chính quyền địa phương

Cần giải pháp ổn định bộ máy và đời sống nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh 5

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây được coi là dấu mốc lịch sử của công tác lập pháp Việt Nam, vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Đây là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, của Chính phủ để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo bà Trà, dự thảo đã xác lập một cách rất đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền, kèm theo cơ chế kiểm soát để bảo đảm việc phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, trong tổ chức thực hiện và trong chịu trách nhiệm mọi công việc thuộc thẩm quyền được giao.

Nguyên tắc phân định thẩm quyền tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, phải bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương với địa phương.

Bộ trưởng khẳng định, các nguyên tắc này đã được rà soát thận trọng, kỹ lưỡng và cũng đã dự liệu cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan phân cấp, phân quyền để thiết lập một cơ chế điều hành sáng tạo, năng động, linh hoạt cho chính quyền địa phương.

“Ngay sau đây, Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định để triển khai kịp thời cho việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp khi dự thảo luật được bấm nút thông qua, và đồng thời cũng kịp thời triển khai phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Theo nhandan.vn

TP.Tân Uyên: Khen thưởng, biểu dương 41 tập thể và 85 cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

Sáng 14-5, Thành ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Tân Uyên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị.

Chấn chỉnh, siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái

Sáng 14-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Thái (huyện Phú Giáo): Thực hiện tuyến đường cờ Tổ quốc

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Thái vừa phối hợp với Chi bộ, Ban Điều hành, Ban Công tác Mặt trận ấp Tân Thái thực hiện Tuyến đường cờ Tổ quốc. Tuyến đường có chiều dài hơn 700m

Xã đoàn An Long (huyện Phú Giáo): Trao tặng công trình “Thắp sáng đường quê”

Đoàn Thanh niên xã An Long vừa tổ chức trao tặng công trình "Thắp sáng đường quê" tại ấp Xóm Quạt.

TP.Bến Cát: Phát huy sức dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và nông thôn

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh không chỉ là mục tiêu của sự phát triển đô thị hiện đại, mà còn là yêu cầu cấp thiết để gìn giữ những giá trị truyền thống, tạo dựng cộng đồng nhân ái, nghĩa tình.

Quốc hội: Tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về sửa đổi Hiến pháp

Cùng với việc xem xét các dự án luật, sáng 14-3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 (lần thứ nhất), phục vụ yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Tập huấn công tác Hội Cựu chiến binh

Sáng 13-5, Hội Cựu chiến binh (CCB) TP.Bến Cát tổ chức tập huấn chuyên ngành cho cán bộ chủ chốt, cán bộ tuyên truyền năm 2025.

Thủ tướng: Việt Nam mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại

Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong mọi quốc gia phát triển thuận lợi, vì ổn định, hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại.

TP.Thủ Dầu Một: Họp mặt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thành ủy Thủ Dầu Một đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2025); tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05

Đoàn công tác số 22 thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số

Đoàn công tác số22 dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của Đoàn tàu không số tại Lữ đoàn 125