Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 15-5-25 10:54:48

Câu lạc bộ Bách Thiên Hương: Ai yêu... đờn ca tài tử thì mời đến

0

Chỉ là sân chơi tự phát nhưng bằng tình yêu chân thật và xuất phát từ nhu cầu thực tế của những người yêu đờn ca tài tử (ĐCTT), CLB ĐCTT Bách Thiên Hương trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu loại hình ca nhạc truyền thống độc đáo này.

Những đêm nhạc “bình dân”

Khu phố 7, phường Phú Lợi, TX.TDM như bao xóm lao động nghèo khác. Những mảnh vườn tầm vông còn hiện diện đâu đó bên những khu trọ, mái nhà mới mọc lên giữa xóm. Mọi người ngày ngày vẫn hối hả mưu sinh. Về đêm, khu phố lại rộn vang tiếng... ĐCTT. Nhiều người trong khu phố yêu môn nghệ thuật độc đáo này thừa nhận rằng thật may mắn vì có CLB ĐCTT Bách Thiên Hương thường xuyên quy tụ những người yêu mến bộ môn này về chơi.

Bách Thiên Hương là một quán cà phê vườn có hát nhạc sống. Nhưng không như nhiều tụ điểm cà phê nhạc sống khác, nó lại là một địa chỉ quen thuộc của những người yêu ĐCTT. Hàng đêm, họ ngồi lại với nhau để trau chuốt những lời ca, tiếng đờn để rồi vào đêm thứ bảy hàng tuần thực sự trở thành một ngày hội không chỉ riêng họ. Khách đến với quán cà phê này hầu hết là những “tín đồ” của bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nam bộ này. Có mặt tại đêm hát với nhau ở CLB Bách Thiên Hương đêm thứ bảy, ngày 12-3 vừa qua mới thấy được ĐCTT ở Nam bộ vẫn còn có sức sống mãnh liệt trong người dân.

Quán không đông khách, cao điểm cũng chỉ trên dưới 100 người, nhưng thực sự ấn tượng vì ai đến đây cũng “có nghề”. Họ không chỉ đến để uống nước như những quán xá thông thường mà đến để thưởng lãm và giao lưu ĐCTT. Điều đặc biệt là không ai chuyên nghiệp cả nhưng ai cũng “cháy” hết mình vì chung một tình yêu. MC kiêm ca sĩ chính của quán, anh Hoàng Long ban ngày là giáo viên trường tiểu học Lê Văn Tám. Vẻ ngoài như anh đang đi dạo chơi ở đâu đó với chiếc áo thun dài, quần tây giản dị. Ấy thế mà khi anh “xổ” bài “Xuân tình” lớp 1, ai cũng phải ngẩn ngơ vì sức truyền cảm ẩn sau từng câu vọng cổ ngọt ngào.

Chưa hết, “ca sĩ” chính của CLB là chị Kim Phượng, 36 tuổi đến từ TP.HCM. Trên bước đường mưu sinh, chị dắt con gái cập bến Bình Dương và thuê nhà, bán hủ tíu gần quán cà phê Bách Thiên Hương. Đêm đêm, chị vẫn nuột nà với những lời ca, điệu hát. Nhìn chị da diết với trích đoạn “Tiếng gọi thiêng liêng”, không ai nghĩ người phụ nữ này chỉ đến với ĐCTT vì yêu thích và chưa kinh qua trường lớp nào. Hay như anh Ngọc Hùng làm nghề chẳng ăn nhập gì với bộ môn nghệ thuật truyền thống này: nghề mài dao kéo. Tuy nhiên, sau nhiều lần dắt vợ con đến quán nghe chơi riết rồi cũng đến ngày anh dẹp bỏ tâm lý tự ti để bước lên sân khấu hát liền một lèo bài “Sầu vương ý nhạn” làm ngỡ ngàng cả vợ lẫn hàng xóm của anh bấy lâu.

  CLB Bách Thiên Hương góp phần bảo tồn và phát huy lọai hình ca nhạc đờn ca tài tửNhững đêm nhạc ĐCTT ở CLB Bách Thiên Hương không kéo dài, chỉ từ 19 - 22 giờ vào đêm thứ bảy hàng tuần nhưng đó là những đêm đặc biệt dành cho những ai yêu mến bộ môn này hội ngộ. Họ đều là những chị, những cô, những anh... có vẻ ngoài giản dị, nhưng thực sự hóa thân vào từng câu hát ngọt để bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành “ca sĩ” trên sân khấu không chuyên.

Hữu xạ tự nhiên hương

CLB ĐCTT Bách Thiên Hương đi vào hoạt động không lâu. Nhưng dù mới chỉ hơn 1 năm hoạt động, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những người yêu ĐCTT gần xa. Ban đầu, họ chỉ là một nhóm nhạc tự phát đến với nhau để cùng vui vẻ sau những giờ làm việc mệt nhọc. Sẵn có tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống, một ngày nọ ông chủ quán Nguyễn Văn Khá bạo dạn kêu ông Tư Út cùng vài người nữa lập hội hát chơi. Ông Tư Út người địa phương bị mù hai mắt từ nhỏ năm nay đã 73 tuổi nhưng từng kinh qua nhiều năm ở các gánh hát khác nhau. Nhờ “vốn liếng” nho nhỏ này mà ông Tư Út không chỉ đàn tốt mà còn am hiểu nhiều về ĐCTT. Chính từ đây, tiếng lành về tụ điểm chơi ĐCTT Bách Thiên Hương vang xa. Ban đầu, bạn bè của những người chơi trong CLB tìm đến vì được truyền tai về một điểm hẹn hấp dẫn. Sau đó, phong trào còn có ảnh hưởng tốt đến những người tại địa phương. Giờ thì CLB Bách Thiên Hương không chỉ có khoảng 15 thành viên thường xuyên mà còn có hàng trăm bạn hữu khắp nơi.

Anh Hoàng Phúc (Thuận Giao,Thuận An) cho biết: “Tôi yêu ĐCTT từ nhỏ nhưng ít có cơ hội thể hiện. Bởi mình hát không chuyên lại không có người uốn nắn nên ngại hát. Mãi đến khi có người bạn giới thiệu đến với CLB hát với nhau này thì tuần nào cũng có mặt để trao đổi kinh nghiệm”. Hay như bộ đôi anh em Trọng Hoan - Minh Giàu ở tít tận Thủ Đức hàng tuần vẫn chạy xe máy chở theo vợ con tìm đến CLB để cùng vui qua những bài hát mộc mạc cổ xưa. Xem họ trình bày bài “Quán nửa khuya” không ai nghĩ bộ đôi này một người làm nghề chạy xe ôm, còn người kia bán trái cây rong. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Khá, vừa là chủ quán vừa là một trong những người đồng sáng lập CLB cho biết: “Những đêm nhạc của chúng tôi trở thành địa chỉ quen thuộc cho bạn bè gần xa. Có những người tít tận Bến Cát hay những xã xa xôi của Tân Uyên. Có những tháng trời mưa, nhiều người ở tận TP.HCM hay ở những nơi xa như thế vẫn tìm đến để giao lưu ĐCTT”.

Gìn giữ cho muôn đời sau

ĐCTT là một di sản văn hóa độc đáo. Điều này hầu như ai cũng biết nhưng sự thành công bước đầu của CLB Bách Thiên Hương trong việc góp phần gìn giữ, quảng bá và phát huy nó chưa hẳn nhiều người đã biết cách. CLB Bách Thiên Hương không ra đời vì mục đích mà hiện nay nó đang làm được. Đó chỉ là một ý tưởng lóe lên lúc trà dư tửu hậu và người sáng lập ra CLB hẳn nhiên cũng không nghĩ nó sẽ quy tập được nhiều người yêu mến ĐCTT lại với nhau. Tuy nhiên, dễ nhận thấy một điều rằng tất cả những ai đến với những đêm nhạc của CLB đều có mẫu số chung là niềm đam mê loại hình ca hát truyền thống này.

Ban đầu, ông Nguyễn Văn Khá cùng các ông Nguyễn Văn Tiến, Tám Thảo và ông Tư Út chỉ xem quán cà phê Bách Thiên Hương là nơi tổ chức ĐCTT với nhau cho vui. Nhưng dần dần phong trào phát triển mạnh, anh Tiến tài trợ đàn, loa, ông Tám Thảo góp tiền, rồi ông Khá vẫn cứ kiên quyết dành riêng quán cà phê của mình cho những người yêu ĐCTT, dù rằng trong thời buổi này, đôi khi ý tưởng kiên định ấy còn bị cho là... khùng. Bởi không ai mở quán cà phê ra mà không muốn kiếm tiền lời, lại chỉ dành cho một loại hình ca nhạc không được nhiều người quan tâm như thế. Nhưng hề gì. Họ chỉ muốn tạo sân chơi để duy trì một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Như đã nói ở trên, chị Kim Phượng chỉ là một người bán hủ tíu mê hát. Nhưng từ niềm đam mê ấy, chị đã tìm đến và học hỏi ông Tư Út để bây giờ chị có được giọng hát rất nuột nà. Càng hát càng mê, giờ chị Phượng đã có thể hát rất nhiều điệu trong ĐCTT, cả những điệu rất khó như: “Tứ đại quán”, “Văn thiên tường”...

Giờ thì sau một năm hoạt động, CLB Bách Thiên Hương không chỉ tạo được tiếng thơm gần xa mà còn trở thành một điểm hẹn quen thuộc của người yêu ĐCTT. Hàng đêm họ vẫn hồn nhiên ngồi cùng nhau tập luyện. Thứ bảy hàng tuần cà phê Bách Thiên Hương vẫn là một điểm hẹn rộn ca, dù rằng ngay cả bản thân những người duy trì sân chơi này cũng không hề ngờ rằng họ đã biến sân chơi của mình trở thành một trong những tụ điểm giữ gìn và góp phần phát huy bộ môn ca cổ để lại của thời cha ông. Sức sống của ĐCTT đến muôn đời sau chính từ sự dung dị rất đỗi bình thường ấy.

LÝ KHÁNH VINH

Từ khóa:

Căng sức phòng lửa, giữ rừng

Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ duy nhất của tỉnh Bình Dương, được ví như “lá phổi xanh” đặc biệt để điều hòa khí hậu trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.