Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 24-4-25 23:28:14

Cho đi là còn mãi...

0

Với thông điệp yêu thương “Cho đi là còn mãi”, nhiều người đã vượt qua các rào cản để đi đến quyết định mang ý nghĩa nhân văn cao cả - đăng ký hiến mô, tạng để sau này dù có mất đi vẫn có thể mang lại sự sống cho người khác. Nghĩa cử này không chỉ giúp mang lại sự sống cho người khác, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần nhân đạo cao cả để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.


Anh Dương Quang Toàn cùng các tình nguyện viên đăng ký hiến tạng ở Bình Dương

Nhân thêm sự sống

Số lượng người chờ được cấy ghép tạng (tim, thận, gan, phổi, tụy…) và ghép mô (da, giác mạc, xương…) để tiếp thêm sự sống rất nhiều. Tưởng như là “phép màu” nhưng trong thực tế đã có rất nhiều sự sống được hồi sinh, tiếp diễn từ việc ghép tạng. Dù không biết sau này những bộ phận trong cơ thể mình sẽ hiến tặng cho bệnh nhân nào, ở đâu, nhưng những người tình nguyện hiến tạng, hiến mô sau khi mất - những “người lạ” tử tế ấy vẫn quyết định hiến tặng để sự sống sẽ mãi tiếp diễn sau khi họ qua đời.

Là một công dân bình thường như bao người dân khác, hàng ngày, anh Dương Quang Toàn ở khu phố 7, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một luôn bận rộn với công việc sửa chữa điện tử tại nhà để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Dù cuộc sống còn bao điều phải lo toan, nhưng với tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, biết sống vì người khác, anh Toàn luôn dành thời gian, tâm huyết và cả việc hiến những gì cơ thể mình đang có để cứu giúp người khác.

Di chứng để lại do mắc bệnh từ nhỏ, anh trở thành người bị khuyết tật một phần cơ thể, lưng gù, dáng đi lúc nào trông cũng xiêu vẹo. Dù cơ thể không lành lặn như những người bình thường, nhưng mấy ai biết được người đàn ông nhìn bề ngoài có vẻ ốm yếu ấy lại là một người rất đỗi mạnh mẽ, dám làm những điều mà rất nhiều người lành lặn vẫn còn e dè, chưa dám làm. Đến nay, anh Toàn đã tham gia hiến máu tình nguyện được 22 lần. Cũng từ phong trào ý nghĩa này, anh tự tìm hiểu và đang tiếp tục hành trình hiến tiểu cầu cứu người. Đến hẹn lại lên, từ năm 2020 đến nay, anh đã tham gia hiến tiểu cầu được 24 lần.

Cái duyên từ việc hiến máu tình nguyện, hiến tiểu cầu tiếp tục thôi thúc anh tìm hiểu và đi đến quyết định hết sức đáng trân trọng đó là đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học. Theo anh Toàn, người dân chúng ta xưa nay thường quan niệm chết thì phải nguyên vẹn, nên chỉ cần nghe đến hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học là nhiều người từ chối ngay. Riêng anh thì nghĩ sau khi mất đi, các bộ phận trong cơ thể mình sẽ được ghép cho những người đang cần và họ sẽ hồi sinh sự sống sau khi được ghép tạng. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống hơn 10 người khác.

“Như vậy, mình cũng không hoàn toàn mất đi, mà sự sống của mình vẫn đang được tiếp diễn trên cơ thể người khác. Những người được ghép tạng sau này cũng có thể hiến tạng cho những người cần ghép… Đó chính là ý nghĩa “cho đi là còn mãi”, vì sự sống không dừng lại sau khi chúng ta mất đi, mà vẫn tiếp diễn khi việc hiến tạng được thực hiện thành công…”, anh Toàn chia sẻ khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa của việc đăng ký hiến tạng.

Ban đầu khi anh có ý định đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học, nhiều người cũng ngăn cản, trong đó có người thân, vì chỉ cần nghĩ đến điều đó là họ không thể chấp nhận được. Bằng kiến thức tìm hiểu được, cũng như ý nghĩa “cho đi là còn mãi” của việc hiến tạng, anh Toàn đã kiên trì động viên, giải thích, rồi dần dần người thân cũng hiểu và đồng ý cho anh đăng ký. Không chỉ đồng ý với việc làm của anh, mẹ anh Toàn cũng muốn đăng ký như anh, nhưng vì lý do sức khỏe nên mẹ anh không đăng ký được.

Theo số liệu thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 65 tình nguyện viên đăng ký hiến tặng mô, hiến tạng; trong đó có 1 người đã hiến tạng thành công (hiến thận khi còn sống). Đó là trường hợp chị Nguyễn T.L. ở huyện Bàu Bàng, đã hiến thận khi còn sống để ghép cho người bị suy thận. Ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) vào cuối năm 2022 vừa qua, mang lại niềm hạnh phúc, sức khỏe, sự sống cho người bệnh sau khi ghép thận thành công.

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Sau khi đăng ký cho bản thân mình, anh Toàn còn vận động thêm người khác cùng đăng ký. Anh thành lập fanpage “Hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho y học sau khi qua đời” để hướng dẫn thông tin, vận động nhiều người cùng tham gia. Anh bảo, những việc mình đã và đang làm đều hướng đến mục đích muốn góp một chút sức mình để cuộc sống ngày càng tốt đẹp và nhân văn hơn.

Chị Nguyễn Thị Trung Hiếu, sinh năm 1989, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát được xem là người đầu tiên được anh Toàn hướng dẫn đăng ký hiến tạng. Là người thích các hoạt động xã hội từ thiện, chị Hiếu từng tham gia hiến máu tình nguyện và cũng muốn hiến tạng sau khi qua đời để giúp những người cần ghép tạng. Trong lúc không biết bắt đầu từ đâu, chị gặp được anh Toàn tại một buổi hiến máu nên đã nhờ anh hướng dẫn, nộp hồ sơ đăng ký.

Đến nay, chị đã có thẻ đăng ký hiến tạng do đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy cấp. “Khi mình không còn nữa nhưng cơ thể mình được hiến tặng cho những người khác để họ có thể sống tiếp. Em nghĩ đó là điều ý nghĩa nhất mình vẫn có thể làm được sau khi mất nên liền đăng ký”, chị Hiếu chia sẻ. Cứ nghĩ về điều mình làm sẽ mang lại cuộc sống cho những người khác, thì chị Hiếu thấy lòng mình cũng ấm áp hơn.

Sinh năm 1996, Nguyễn Thị Mỹ Liên, chủ một tiệm spa và nail ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một dù còn rất trẻ cũng đã đăng ký hiến tạng vì thấy đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa. “Khi đăng ký, em chỉ mong một điều duy nhất đó là khi mình qua đời các bộ phận trong cơ thể mình có thể hiến cho nhiều người nhất có thể. Người khác được cứu sống nhờ có những bộ phận trong cơ thể mình hiến tặng, như vậy thì sự sống vẫn đang tiếp tục…”, Liên trải lòng.

Trong thời gian qua, nhiều người trên địa bàn tỉnh đã tham gia đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học. Đây là nghĩa cử, hành động cao quý, không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả giữa người với người. Giống như một đốm lửa nhỏ, dù sắp tắt đi nhưng nó vẫn sẽ nhóm lên nhiều ngọn lửa khác. Chết là kết thúc một đời người, nhưng “cho đi là còn mãi”. Hãy đăng ký tham gia hiến mô, tạng để khi bạn không may qua đời vẫn có thêm đôi mắt sáng, có thêm trái tim ấm tiếp tục được đập những nhịp yêu thương giữa cuộc đời.

Ở Bình Dương, anh Dương Quang Toàn là một trong những người tiên phong trong việc đăng ký, vận động đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học. Nhiều năm qua, anh vẫn đều đặn tham gia hiến tiểu cầu tại Trung tâm Truyền máu và Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để góp phần phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

HỒNG THUẬN

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.