Hotline: 0274 383 347
Thứ tư, 7-5-25 17:42:36

Chơi thể thao ở Trường Sa

0

Khỏe để bảo vệ Tổ quốc là phương châm của các chiến sĩ ở Trường Sa. Chính vì thế, phong trào chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, thể hình… phát triển mạnh ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Duy trì chế độ tập luyện thể thao đều đặn giúp các chiến sĩ ở Trường Sa nâng cao tinh thần lẫn thể chất, kiên cường giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Trong ảnh: Đấu tập nội bộ giữa các cụm chiến đấu trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: K.VINH

Bóng đá vẫn là số một!

Dù ở đất liền hay ngoài quần đảo Trường Sa, bóng đá luôn là môn thể thao số một và thu hút đông người chơi nhất. Không phải trên sân đất hay sân cỏ, các trận đấu ở Trường Sa diễn ra trên mặt sân bê tông nhưng không kém phần sôi nổi, hào hứng. Các cầu thủ thường chia thành hai đội: đội mặc áo, đội ở trần. Cầu thủ người mang giày, người chân đất và khung thành chỉ đơn giản bằng một khung sắt nhỏ do lực lượng công binh làm cho chỉ tầm 0,5m2.

Trên đảo Nam Yết, mỗi chiều chúng tôi đều thấy các chiến sĩ đưa bóng ra sân xi măng trước bia chủ quyền chia làm 2 - 3 đội đá với nhau. Trên nền xi măng thô ráp, những pha tranh bóng nảy lửa thỉnh thoảng lại xuất hiện khiến có người bị ngã hoặc chao đảo. Mỗi lúc như thế, bóng được dừng lại để đồng đội bảo ban nhau: Đá nhẹ nhàng thôi kẻo “không an toàn” đấy! “Nhẹ nhàng” là thế nhưng bóng đá ở đảo vẫn giữ đúng cái chất đối kháng kịch tính, quyết liệt, hấp dẫn của nó. Hào hứng sau khi ghi bàn vào lưới đối phương, anh Nguyễn Văn Đại, trạm ra đa 57 đảo Nam Yết, cho biết: “Mới ra đây làm nhiệm vụ tôi cảm thấy rất nhớ nhà. Nhưng nhờ chơi thể thao thường xuyên nên phần nào vơi bớt cảm giác đó. Ngoài nâng cao sức khỏe, đá bóng còn giúp tôi có cơ hội giao lưu, gắn bó hơn với đồng đội và người dân trên đảo”.

Những ngày ở Trường Sa, ấn tượng nhất đối với chúng tôi có lẽ là sân bóng đá “độc đáo” nhất nước trên đảo Song Tử Tây. Nói thế là vì khó ai nghĩ rằng giữa Trường Sa mênh mông sóng nước lại có được một sân bóng đá 11 người, đủ tiêu chuẩn thi đấu. Do đặc thù tự nhiên của quần đảo, nên rất khó có những phần đất bằng phẳng, rộng lớn để làm sân bóng. Ở đảo Trường Sa Lớn cũng có sân bóng đá 11 người nhưng cỏ rất ít. Ấy thế mà ở Song Tử Tây lại có cả sân cỏ 11 người, trở thành niềm tự hào của cả Trường Sa.

Nhắc đến chuyện sân cỏ mới thấy sân bóng đá ở đây đặc biệt thế nào. Cũng cần nói thêm, Song Tử Tây là đảo duy nhất của quần đảo Trường Sa có thể nuôi được bò. Nhưng ở đảo cây xanh rất hiếm nên mùa khô bò ăn những gì có thể ăn được. Ban đầu chúng ăn bao bì, thùng carton, vỏ cây, lá cây… dần dần không còn gì để “chén” chúng lẻn sang doanh trại bộ đội “xử lý” cả quần áo, thau nhựa, dép. Khi hết đồ ăn, chúng lại xơi cả… gạch để xây công trình khiến cho anh em công binh một phen hốt hoảng. “Bần cùng” là thế nhưng phân bò lại giúp cải tạo đất rất hiệu quả. Nhờ thế mà sân bóng đá ở Song Tử Tây ngày càng xanh mượt, đẹp và chuẩn nhất Trường Sa.

Vui, khỏe

Bóng chuyền là môn thể thao rất phổ biến ở Trường Sa. Ảnh: K.VINH

Hào hứng và sôi nổi không kém bóng đá, một môn thể thao phổ biến khác ở Trường Sa là bóng chuyền. Ở từng đảo nổi đi qua, chúng tôi gặp khá nhiều sân bóng chuyền. Mỗi cụm chiến đấu đều có sân bóng chuyền riêng nên mỗi đảo nổi ít nhất cũng có từ 3 - 4 sân. Sau những giờ tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất, các chiến sĩ tìm đến môn bóng chuyền. Ở đảo, tính chất ăn thua cũng khác với đất liền. Sôi nổi, quyết liệt là thế nhưng bên thua chỉ phải… hít đất vài cái, còn phần thưởng cho bên thắng là những nụ cười giòn giữa tiếng sóng biển rì rào.

Không ồn ào và náo nhiệt như bóng đá và bóng chuyền nhưng môn bóng bàn cũng là lựa chọn của khá nhiều người. Hồi còn ở đất liền, anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên nhà đèn đảo Nam Yết ít chơi thể thao, nhưng từ ngày ra đảo anh thử tập đánh bóng bàn và giờ chơi rất sành sỏi. “Ngày nào cũng phải dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ để chơi thể thao. Không chỉ chơi bóng bàn cùng anh em đồng nghiệp, tôi còn hay qua các đơn vị khác để giao lưu, thi đấu. Qua đó tôi đã làm quen được với nhiều người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến đây. Cuộc sống với tôi trở nên thú vị hơn”, anh Hoàng tâm tình.

Ngoài những môn thể thao mang tính đối kháng cao và phổ biến nói trên, ở Trường Sa còn có những môn thể thao rèn luyện thân thể và tinh thần khác rất hấp dẫn. Có lần, tại Nhà văn hóa đảo Nam Yết, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chứng kiến các chiến sĩ chơi bida điêu luyện như dân chuyên nghiệp. Ở đây, câu lạc bộ bida rất nhộn nhịp, trở thành thú vui tiêu khiển của nhiều người. Cũng tại Nam Yết, chúng tôi được đưa lên tận phòng tập thể hình khang trang, hiện đại của đảo. Nhờ có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương, các trang thiết bị ở đây hiện đại và đa dạng không khác gì các phòng tập Gym ở đất liền.

Chơi thể thao là nhu cầu cơ bản của con người dù ở bất kỳ hoàn cảnh và điều kiện nào. Đối với chiến sĩ ở đảo đang ngày đêm canh giữ đất trời của Tổ quốc, thể thao không chỉ nâng cao thể lực, cải thiện thể chất mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Lương Xuân Hánh, Chỉ huy đảo Sơn Ca, cho biết: “Thể thao tăng cường sức khỏe cho toàn quân và cũng là cầu nối đoàn kết cho mọi người khi lên đảo, cùng nhau canh giữ chủ quyền quê hương, đất nước”.

Ngày 8-6-2014 đánh dấu một sự kiện của Trường Sa khi trận giao hữu bóng đá quốc tế đầu tiên được tổ chức tại sân bóng đá Song Tử Tây. Đó là trận giao hữu bóng đá quốc tế giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Philipines tại sân bóng của đảo. Sau hiệp 1, chiến thắng đậm đà nghiêng về hải quân nhân dân Việt Nam, hai bên cùng đổi quân cho nhau để cân bằng hơn và tỉ số của hiệp 2 là hòa 0-0. Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Chỉ huy đảo Song Tử Tây, cho biết: “Những trận bóng đá giao hữu như thế sẽ được duy trì giữa hải quân hai nước. Tinh thần thể thao không biên giới không chỉ giúp bộ đội vui khỏe mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa hai bên. Năm nay, phía Philipines còn đề xuất giao lưu thêm bóng rổ, bóng chuyền và bóng bàn”.


LÝ KHÁNH VINH

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.