Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, công tác chuẩn bị, xây dựng và thẩm tra các dự thảo nghị quyết luôn là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm kỳ họp diễn ra đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Trong đó, các ban HĐND tỉnh đã chủ động, tích cực, phát huy vai trò giám sát, thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của ban trình kỳ họp. Từ đó, nâng cao chất lượng các nghị quyết được thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của cử tri.
Thẩm tra kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng dự thảo nghị quyết
Ngay sau khi nhận được kế hoạch tổ chức kỳ họp của HĐND tỉnh khóa X, các ban của HĐND đã khẩn trương phối hợp với Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn liên quan để rà soát, xây dựng kế hoạch thẩm tra cụ thể. Nội dung thẩm tra tập trung vào các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách như kinh tế - ngân sách, pháp chế, văn hóa - xã hội. Quá trình chuẩn bị được triển khai bài bản, từ việc nghiên cứu hồ sơ, tổ chức các cuộc làm việc trao đổi với cơ quan soạn thảo, đến khảo sát thực tiễn, tham vấn ý kiến chuyên gia, cử tri và các đối tượng chịu tác động trực tiếp, tổ chức phiên họp thẩm tra dự thảo nghị quyết. Từ đó, các ban đã chủ động phát hiện những nội dung còn chưa hợp lý, chưa sát thực tiễn hoặc có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện để kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung kịp thời.
Tại kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa X diễn ra sáng nay, các dự thảo nghị quyết quan trọng đã được các ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng. Báo cáo thẩm tra của các ban HĐND đều phản ánh rõ ràng quan điểm, lập luận chặt chẽ, có đối chiếu với thực tế và dẫn chứng cụ thể. Đồng thời, báo cáo thẩm tra cũng đã chỉ những nội dung chưa rõ, chưa phù hợp với cơ sở thực tiễn...; từ đó kiến nghị UBND tỉnh, cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh và hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch và hiệu quả của nghị quyết.
Cụ thể, báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về việc cho ý kiến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Dương của Ban Pháp chế, cho biết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bình Dương có khoảng 40 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; 1.174 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố phải giải quyết chế độ thôi việc. Do đó, Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chế độ, chính sách phù hợp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khu phố, ấp để kịp thời động viên, hỗ trợ, ghi nhận quá trình phấn đấu của người hoạt động không chuyên trách. Trong đó, cần tính đến đặc thù của Bình Dương và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, nơi có dân số đông, người hoạt động không chuyên trách tham gia trách nhiệm, hiệu quả như công chức cấp xã. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh cần có lộ trình, giải pháp liên thông dữ liệu giữa các ngành để hỗ trợ người dân khi có sự thay đổi về địa giới hành chính, hạn chế tối đa các ảnh hưởng khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính.
Bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh được ban Kinh tế - Ngân sách đặc biệt chú trọng đến tính khả thi, sự phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn địa phương. Mỗi ý kiến, mỗi nhận xét trong báo cáo thẩm tra đều được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm góp phần xây dựng những nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Bảo đảm ban hành nghị quyết kịp thời, sát thực tiễn
Theo đánh giá chung của các ban HĐND tỉnh, nội dung các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 23 (chuyên đề HĐND tỉnh khóa X đều cótính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương và tạo điều kiện cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Cụ thể, các dự thảo nghị quyết: Phân cấp quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương; về việc sửa đổi Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 9-12-2024 của HĐND tỉnh về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi và phân bổ ngân sách địa phương năm 2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương (lần 9); về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 vốn ngân sách Nhà nước (lần 2); đồng thuận đề xuất thực hiện dự án kết nối tỉnh Đồng Nai (xây dựng cầu Hiếu Liêm 2); về danh mục bổ sung các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương; nghị quyết cá biệt về việc cho ý kiến đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã của tỉnh Bình Dương; bãi bỏ Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND ngày 24-1-2025 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Dương; về chế độ hỗ trợ đối với người đã tham gia lực lượng cơ động xử lý sự cố giao thông, lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Các đại biểu HĐND tỉnh, đều đánh giá rất cao vai trò của các ban HĐND tỉnh trong công tác thẩm tra. Các báo cáo thẩm tra giúp đại biểu có thêm căn cứ để thảo luận và quyết định thông qua các nghị quyết. Đặc biệt, các ban đã luôn đặt lợi ích chung của địa phương, cử tri, người dân và hiệu quả thực thi lên hàng đầu.
Có thể thấy, công tác chuẩn bị xây dựng nghị quyết và thẩm tra các dự thảo nghị quyết trước kỳ họp HĐND tỉnh là một quy trình quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Sự chủ động, trách nhiệm, khách quan và khoa học của các ban HĐND tỉnh góp phần để mỗi kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra thành công tốt đẹp.
ĐỖ TRỌNG - MINH TUẤN