Hiện cả nước đang khẩn trương triển khai lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Qua đó, nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Cùng với việc tổ chức sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp thì câu chuyện đặt tên mới hay giữ tên cũ cũng được dư luận rất quan tâm khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính.
Đó là làm sao để giữ được những tên cũ đã gắn bó với cư dân vùng đất và thậm chí đã góp phần định danh một vùng văn hóa. Bởi, có những địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Đó là làm sao để những tên mới không chỉ là sự lắp ghép giản đơn, là một địa danh sẽ bị lãng quên dần qua các thế hệ. Danh xưng xã, phường không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, nó còn là hồn cốt văn hóa được lưu truyền qua các giai đoạn lịch sử. Sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính là việc không mới trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tên gọi địa phương cần gắn liền với lịch sử và văn hóa. Vì vậy, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng.
Thời điểm này, Bình Dương cũng đang khẩn trương lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Tại các hội nghị lấy ý kiến, các ý kiến đều thống nhất chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng như dự thảo đề án kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Có những ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của địa phương. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ nguyện vọng, xem xét điều chỉnh lại địa giới hành chính của một số phường mới và tên gọi phường mới cho phù với tình hình thực tế, thuận tiện cho công tác quản lý hành chính. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu, cân nhắc khi đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, trong đó cần ưu tiên những tên gọi gắn liền với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa bản địa.
Văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương, cội nguồn của bao thế hệ. Vì vậy, nếu đặt tên phù hợp sẽ duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, vẫn giữ được hồn cốt văn hóa, lịch sử, truyền thống, thậm chí đó còn là thương hiệu để phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tương lai.
K.TÂN