Bên cạnh thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo của tỉnh, những năm gần đây, Bình Dương còn tập trung vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, bảo đảm không tái nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025, Bình Dương phấn đấu giảm hộ nghèo trên địa bàn còn dưới 1% trong năm nay.
sss.jpg)
Tập trung các nguồn lực để giảm nghèo
Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương còn 4.306 hộ nghèo/404.832 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,06%. Đến nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đề ra.
“Chìa khóa” giúp hộ nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững là tập trung các nguồn lực xây nhà ở cho người nghèo từ các chương trình nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ, mái ấm công đoàn bằng nguồn xã hội hóa. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Niên ỏ xã Định An, huyện Dầu Tiếng, thuộc hộ khó khăn. Tháng 10-2024, gia đình ông được địa phương xây tặng căn nhà hơn 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Có nhà ở ổn định, những hộ nghèo, hộ khó khăn như gia đình ông Niên đã được tiếp thêm động lực, nhanh chóng thoát nghèo. “Không chỉ bản thân tôi mà con cái cũng phấn khởi hơn, chăm lo làm ăn, tích góp mua sắm thêm vật dụng sinh hoạt có giá trị. Từ lúc có nhà, đời sống gia đình khởi sắc từng ngày”, ông Niên nói.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết từ năm 2021 đến nay, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã đào tạo nghề cho 170.000 học viên, trong đó tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là hơn 90%. Những ngành nghề mà sở và các địa phương tổ chức đào tạo ngắn hạn, nhưng mang lại hiệu quả cao là chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, làm đẹp, nấu ăn, cắt tóc, lái xe các loại… |
Để giúp hộ nghèo nhanh chóng ổn định cuộc sống, trung bình mỗi năm, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh tập trung xây tặng khoảng 100 căn nhà từ các nguồn. Cùng với đó, hàng chục tỷ đồng được vận động hỗ trợ học phí, trao học bổng cho con em hộ nghèo. Người nghèo cũng được tiếp cận các dịch vụ y tế miễn phí, thông qua các chương trình tặng thẻ, sổ bảo hiểm, được các cơ sở y tế trên địa bàn chung tay hỗ trợ.
Song song đó, chương trình hỗ trợ vốn vay tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập đã phát huy hiệu quả cao. Trong 3 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng, lãi suất thấp, từ nguồn vốn này giúp hàng ngàn hộ gia đình có việc làm ổn định. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Tình, ngụ phường An Điền, TP.Bến Cát. Cách đây 2 năm, gia đình chị vẫn còn là hộ nghèo của địa phương. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng để trồng dưa leo, rau sạch, đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, cũng như tích góp tiền xây nhà mới. Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình bà Bùi Thị Ánh Nhi, phường Mỹ Phước, có vốn kinh doanh tạp hóa, nuôi 2 người con vào đại học.
Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả khác. Đó là vận động nguồn xã hội hóa thực hiện tặng quà, nhu yếu phẩm, thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ tiền hàng tháng; mở ra các phiên chợ “0 đồng” hỗ trợ nhu yếu phẩm thường xuyên cho hộ nghèo ở các huyện, thị, thành phố.

Tăng việc làm cho lao động nông thôn
Một chính sách giảm nghèo hiệu quả khác của tỉnh là miễn học phí cho con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo khi tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Sở chỉ đạo các trường nghề lựa chọn các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và điều kiện của địa phương để đào tạo. Sở cũng tập trung đào tạo các nghề sơ cấp để nông dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 170.000 học viên, trong đó tỷ lệ có việc làm sau đào tạo hơn 90%”.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuyên, những ngành, nghề mà sở và các địa phương tổ chức đào tạo ngắn hạn, nhưng mang lại hiệu quả cao là chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, làm đẹp, nấu ăn, cắt tóc, lái xe các loại. Sau vài tháng đào tạo nghề, địa phương kết hợp với chương trình vay vốn tạo việc làm để mở cơ sở kinh doanh, hay xin việc làm tại các các doanh nghiệp để người lao động có thu nhập ngay. Cùng với đó, sở cũng vận động các địa phương, đơn vị tích cực hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo để họ có điều kiện phát triển kinh tế...
Chị Đoàn Thị Sương, ngụ ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, chia sẻ: “Ngày trước do không có nghề nghiệp ổn định nên ai kêu gì làm đó, thu nhập bấp bênh. Cách đây 2 năm, tôi mạnh dạn đăng ký học lớp trang điểm do địa phương phát động, sau đó mở tiệm tại nhà, từ đó có thu nhập ổn định. Trong quá trình làm nghề, tôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho con em trong vùng nếu có nhu cầu”. Từ các lớp học nghề ngắn hạn, những năm qua, không ít người trên địa bàn còn mạnh dạn đầu tư quán ăn, nhà hàng, trở thành những người chủ có tiềm năng, tạo ra nhiều việc làm ổn định khác cho lao động địa phương.
Để tạo việc làm ổn định cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, hàng năm, Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm ở nhiều nơi. Đây là kênh kết nối cung - cầu việc làm, bảo đảm không để lao động nhàn rỗi, thất nghiệp; tạo thu nhập ổn định nhờ có việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 của tỉnh bảo đảm 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm việc làm được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Giảm ít nhất 50% số trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bị suy dinh dưỡng. Giảm tỷ lệ thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo từ 2,3% xuống còn 1,2%. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ học nghề phù hợp. Giảm ít nhất 50% số hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về phương tiện tiếp cận thông tin được sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet… |
QUANG TÁM