Hotline: 0274 383 347
Thứ tư, 14-5-25 11:55:38

Hương vị tết quê!

0

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ đến tết là những người con, người cháu có gốc gác ông bà, cha mẹ ở vùng quê Nhà Đỏ, Cổng Xanh (xã Tân Bình, Tân Uyên) chúng tôi lại hẹn nhau chọn một ngày nào đó (từ mùng 1 đến mùng 3) để cùng nhau về quê ăn tết. Dù xã Tân Bình cách TP.Thủ Dầu Một không bao xa - chỉ khoảng 25 phút đi xe hơi hoặc 45 phút đi xe gắn máy, nhưng mọi người ai cũng náo nức hẹn hò và chuẩn bị từ 1, 2 ngày trước.  

Khung cảnh một buổi chợ quê gợi lại cảm xúc cho nhiều người Trong ảnh: Chợ quê được phục dựng tại Minh Sáng Plaza

Những năm trước, khi kinh tế còn khó khăn những người con, người cháu chúng tôi khi về quê thăm ông, bà, cha mẹ đều đi xe gắn máy, thậm chí là đi xe ngoài. Những năm gần đây, nhiều người nhờ chịu khó tích lũy đã sắm được xe hơi, mỗi khi về thăm quê nhìn ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của những người ông, người bà, cô, dì, chú bác… ra đón đủ biết họ vui sướng và hạnh phúc biết bao trước sự thành đạt của con, cháu mình!

Nói là quê, nhưng thật ra những năm gần đây cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh những xã nằm trên đường ĐT741 như Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa (Bến Cát), Tân Bình (Tân Uyên), Phước Hòa (Phú Giáo), nhất là xã Tân Bình đã ngày càng thay đổi đến không ngờ.

Tân Bình vốn là một xã thuần nông thuộc huyện Tân Uyên. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước địa danh Tân Bình nổi tiếng với trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ (24-2-1966) - trận chiến đấu tập kích Lữ đoàn 1 (Sư đoàn “Anh cả đỏ”) của địch mà ngay từ đầu ta đã tiêu diệt Ban Chỉ huy Lữ đoàn và đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn lính Mỹ, 2 chi đoàn thiết giáp M113 (48 chiếc)… Là trận chiến đấu được đánh giá có hiệu suất cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Đông Nam bộ mùa khô năm 1965-1966 khiến Mỹ- ngụy khiếp sợ, sử sách lưu danh… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất Tân Bình là một trong những xã nghèo của huyện Tân Uyên do hậu quả của chiến tranh để lại. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tân Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân ở đây ngày càng được nâng cao…

5 - 7 năm về trước, mỗi khi về quê ăn tết chúng tôi thường trầm trồ khi đi ngang những cánh đồng lúa vàng bát ngát thoang thoảng mùi hương trong gió, những vườn hoa vạn thọ, hoa mai vàng rực rỡ, hoa mào gà đỏ tươi trong nắng xuân, hay những luống cà bắp, dưa leo, khổ qua… trĩu quả. Bây giờ những loại cây trái, hoa màu nông nghiệp ấy vẫn còn nhưng diện tích đã thu hẹp lại bởi nhiều người nông dân một nắng hai sương ở đây đã thức thời chuyển sang mở cơ sở dịch vụ, kinh doanh, trồng cao su tiểu điền, mở cơ sở chế biến mủ cao su, buôn bán các mặt hàng trang trí nội thất, kinh doanh điện thoại di động… Và cuộc sống của họ thay đổi nhiều kể từ khi con đường ĐT741 chạy ngang được mở rộng, phân làn xe làm cho bộ mặt địa phương và các hộ dân ngày càng thoáng đãng, khang trang hơn.

Xe chạy bon bon dọc con đường ĐT741 thẳng tắp (gần đây đoạn từ ngã tư Sở Sao đến Cổng Xanh (Tân Bình) có tên là đường Nguyễn Văn Thành) chúng tôi nhìn thấy có không biết bao nhiêu là cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thu mua, chế biến mủ cao su, các đơn vị, xí nghiệp… về đặt cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và được biết đã có nhiều thanh niên ở đây từ gốc gác là nông dân đã trở thành những người công nhân, tiểu thương.

Tay bắt mặt mừng, thăm hỏi, mừng tuổi người lớn chưa bao lâu là mọi người đã quây quần vào mâm thức ăn tết đã được dọn sẵn với sự náo nức, thú vị. Những món ăn ngày tết ở quê chẳng khác gì ở thị xã, thị trấn: cũng dưa giá, củ kiệu được làm từ hoa màu trồng ở vườn nhà, bánh tét “sản xuất” tại chỗ, cũng thịt kho nước dừa, khổ qua nhồi thịt, nhất là dĩa gỏi gà được nuôi thả rông sau nhà nên thịt gà thơm ngon và săn chắc chứ không như thịt gà công nghiệp ở thị xã, thị trấn mà mới chỉ nghĩ đến thôi ai cũng cảm thấy thèm thuồng… bởi những món không xa lạ ấy đều toát lên cái mùi “hương đồng cỏ nội” của quê cha, đất mẹ.

Ăn tết ở quê còn có nét đặc trưng nữa là lúc nào cũng rôm rả, vui tươi do có sự tham gia của nhiều “liên gia” lân cận làm thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, cho dù trước đó họ có thể giận dỗi, không vừa ý nhau vì chuyện gì đó… Sau khi no nê, một cái thú nữa của mỗi lần về quê ăn tết là mọi người ra trước hiên nhà vừa ngồi uống trà, vừa nhìn ra con đường rộng lớn đủ cho mấy làn xe chạy mà ngắm xe cộ dập dìu lên xuống đưa lữ khách xuôi ngược đi về; để được ngắm nhìn nhiều em bé trong những bộ quần áo mới đủ màu đi từng nhóm đến chúc tết người thân hay nô đùa rộn rả bên nhà hàng xóm… Và khi chúng tôi nói lời tạm biệt lên xe để trở về thành phố, thị xã thì ông bà, cô dì… lại tất tả chạy theo xe để kịp gởi những đòn bánh tét để con cháu về dưới “ăn lấy thảo”. Tết quê giản dị, thanh bình và ấm áp vậy đó!

Tết năm nay, có lẽ người dân của nhiều vùng quê đã đón tết đầy đủ và tươm tất hơn bởi cuộc sống, thu nhập của họ ngày càng được nâng cao. Bây giờ mỗi khi tết đến hay nhà có lễ, tiệc họ không chỉ “độc canh” chai rượu mà trên những mâm thức ăn có thêm sự hiện diện của các loại bia 333, Heineken, Sài Gòn… đã cho thấy sự “lên đời” của nhiều hộ nông dân và khi họ say, cái say của họ cũng nhẹ nhàng hơn cái say của rượu đế, rượu nếp như trước. Dì Năm Hiền (xã Tân Bình) cho biết, trước đây nhà chuyên trồng lúa và hoa màu nhưng hiệu quả không cao, kể từ khi đường ĐT741 được mở rộng tôi chuyển sang kinh doanh tạp hóa, ngoài ra nhờ gia đình có được mấy mẫu cao su, tôi chú ý hơn khâu đầu tư chăm sóc. Mấy năm gần đây vườn cao su nhà đã cho khai thác mủ nên cuộc sống gia đình đã ổn định và bắt đầu có dư. Hầu hết các gia đình trong xã mà có vườn cao su dù giá mủ có lên xuống thế nào, thì cuộc sống của chúng tôi cũng đều căn bản…

Anh Nguyễn Thanh Lâm, Đội phó Đội phòng chống tội phạm xã Tân Bình, cho biết: Nhờ có sự phối hợp quản lý chặt chẽ nên những ngày trước, trong và sau tết trên địa bàn xã Tân Bình tình hình an ninh trật tự luôn ổn định, các vụ vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội đã giảm nhiều so với những năm trước. Các lực lượng chức năng luôn trong tinh thần sẵn sàng bảo vệ sự bình yên cho người dân vui xuân đón tết!...

Tết quê dù không có cao lương mỹ vị gì nhưng vẫn cảm thấy ngon miệng và ấm áp nên nó luôn làm những người con, người cháu xa quê nôn nao trở về để quây quần cùng gia đình ăn tết mỗi khi nghe chim én ríu rít báo hiệu mùa xuân về… Và dù có đi đâu ở đâu, những ngày về quê ăn tết sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp khó quên trong ký ức của mỗi người…

B.MINH - V.KHÁNH

Từ khóa:

Căng sức phòng lửa, giữ rừng

Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ duy nhất của tỉnh Bình Dương, được ví như “lá phổi xanh” đặc biệt để điều hòa khí hậu trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.