Bà Lương Thị Út, ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An được nhiều người thân thương gọi là “má Út”. Thời chống Mỹ, bà là con em người miền Nam được tập kết ra Bắc học tập, trưởng thành, đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng nước nhà. Sau ngày đất nước thống nhất, bà lại có rất nhiều đóng góp để xây dựng quê hương.

Học sinh miền Nam trên đất Bắc
Hơn 80 tuổi đời, bà Lương Thị Út, ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An mới cho phép mình nghỉ ngơi. Bởi sau ngày về hưu, bà tiếp tục làm Bí thư Chi bộ khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, rồi làm Chủ tịch Câu lạc bộ Hưu trí TP.Thuận An. Bà mới chính thức nghỉ hưu được vài tháng. Bà Út nói: “Nghỉ nhưng nhớ chị em nên hàng ngày tôi vẫn đến Câu lạc bộ Hưu trí TP.Thuận An để chuyện trò”.
Qua câu chuyện của bà Út, chúng tôi được biết, bà Út vinh dự là con em miền Nam được tập kết ra Bắc năm 1954. Bà Út, kể, mẹ của bà là cấp dưỡng của Quân y viện miền Tây Nam bộ tại Cà Mau. Năm 6 tuổi, bà đã theo mẹ vào ở trong đơn vị. Năm 1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng; đồng thời góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bà khi ấy tròn 10 tuổi, là con cán bộ nên bà được ưu tiên lên đường tập kết ra Bắc.
Từ cuối năm 1954, các học sinh miền Nam bắt đầu tập kết ra Bắc học tập. Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từng bước hình thành, phát triển và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân miền Bắc. Trong ký ức của bà, mặc dù bận công việc, nhưng Bác Hồ thường xuyên thăm hỏi, gửi thư động viên học sinh miền Nam và tới thăm các trường học sinh miền Nam khi có dịp thích hợp. Sự quan tâm và tình cảm của Bác Hồ là nguồn động lực mạnh mẽ để các thế hệ học sinh miền Nam vơi đi nỗi buồn xa gia đình và dốc sức học tập vì tương lai phục vụ quê hương, đất nước. “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được ví như “vườn ươm” đặc biệt của Bác Hồ. Từ đây những thế hệ “hạt giống đỏ” đã nảy mầm, trở về quê hương chiến đấu, góp phần thống nhất đất nước cũng như xây dựng Tổ quốc sau này”, bà Út nói.
Như bao học sinh miền Nam khác, bà Út không chỉ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà còn đóng góp to lớn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, năm 1973, bà Nguyễn Thị Định, khi ấy là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam ra Bắc. Bà yêu cầu giới thiệu một người theo làm trợ lý, lo việc văn phòng và bà Út là người được tiến cử.
Bà Út kể: “Khi ấy, tui được giao nhiệm vụ chuẩn bị trà, thuốc và bánh kẹo chất đầy lên xe. Đi đến các trạm giao liên, xe của chúng tôi xuống, tặng mỗi trạm một ít quà bánh. Sau này tui mới biết là chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nỗi dậy mùa xuân 1975. Và bà Nguyễn Thị Định ghé vào để nắm tình hình và động viên cán bộ, chiến sĩ”.
“Tập kết ngược” vào Nam, bà Út được giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào đang ở Truông Mít, Xa Mát (Tây Ninh) về Sài Gòn. Sau ngày 30- 4-1975, bà được phân công ở Dinh Thống nhất để đón các nữ cựu tù Côn Đảo trở về. Bà Út nói: “Đón các chị mới thấy, nhiều chị kiên trung lắm. Qua những câu chuyện của các chị, tôi không khỏi khâm phục. Dù trong hoàn cảnh đau thương, khắc nghiệt nhất, các chị vẫn luôn vững một niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, tin rằng cách mạng sẽ thắng lợi, đất nước sẽ được tự do”.
Nhân hậu, bao dung
Sau ngày về hưu, bà Út chọn phường Lái Thiêu để sinh sống. Thấy bà có trình độ, chính quyền địa phương vận động bà làm bí thư chi bộ. Mấy mươi năm làm bí thư chi bộ khu phố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí, ở lĩnh vực công tác nào bà cũng luôn có những đề xuất, đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của các ngành, đoàn thể ở địa phương, làm việc tận lực, tận tâm, được mọi người yêu thương, quý trọng.

Cụ thể, bà đã có rất nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, cũng như vận động “Xóa đói giảm nghèo”, “xóa nhà tranh nhà lá” trên địa bàn, vận động trẻ em đến trường… Hàng tháng, với số tiền lương hưu của mình, bà để dành trao tặng quà cho gia đình, trẻ em nghèo. Bà còn nhận nuôi, cho đi học thành tài 5 đứa trẻ, trong đó có 4 đứa mồ côi cha mẹ, 1 đứa hoàn cảnh khó khăn. Sau khi các con ăn học thành tài, bà đứng ra dựng vợ, gã chồng tử tế. Ngoài ra, bà còn tích cực hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của phường; ủng hộ xây dựng quỹ cho Câu lạc bộ Nhân ái của phường; hỗ trợ tiền không tính lãi, giúp cho 60 lượt hội viên vay làm ăn buôn bán nhỏ… Đến nay, tổng số tiền đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng của bà hơn 1,6 tỷ đồng.
Hiện nay, tuổi đã cao nhưng bà Út xem việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo là niềm vui sống của mình. Bà thường dành dụm từ tiền lương hưu để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình…
Năm 1965, bà Út vinh dự được cử làm đại biểu chính thức của ngành điện dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Bác Hồ trao “Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Bà cũng là một trong 50 thanh niên ưu tú được học tập, bồi dưỡng để đưa về miền Nam phục vụ chiến đấu... |
TIỂU LIÊN - DƯƠNG HUYỀN