Hotline: 0274 383 347
Thứ tư, 7-5-25 18:22:19

Nhớ mãi Trường Sa!

0

Còi tàu hú vang 3 tiếng dài chào đảo, bắt đầu hành trình hơn 300 hải lý để vào bờ, chúng tôi lặng im nhìn về phía đảo tiền tiêu Song Tử Tây. Bâng khuâng mây trời Trường Sa hôm nay, trong mỗi chúng tôi lòng trào dâng cảm giác tự hào xen lẫn lưu luyến không thôi.

Chiến sĩ Trường Sa ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc.  Ảnh: K.VINH

Sâu đậm tình người

 Hôm chia tay ở đảo Nam Yết, trung tá Nguyễn Văn Dũng xúc động nói: “Nhớ có cơ hội hãy ra đây lần nữa với anh em chúng tôi nhé! Ở đảo, mặc dù điều kiện sinh hoạt, đi lại có nhiều cái không bằng đất liền nhưng tình cảm của chúng tôi thì luôn dạt dào như sóng biển Trường Sa đó”.

Những ngày đi khắp Trường Sa, chúng tôi không thể kìm nén cảm xúc tự hào khôn xiết về Trường Sa. Đảo xanh ngàn đời nay vẫn thế, lớp lớp cha anh đi ra biển lớn, kiên dũng vẽ nên hình hài Tổ quốc. Trường Sa vẫn thế, kiêu hãnh và vững vàng giữa trùng dương sóng vỗ. Có đi Trường Sa mới biết, một tấc đất ở đảo quý giá và thiêng liêng như thế nào. Mỗi hòn đá, cây xanh, công trình ở đảo đều thấm đượm giọt mồ hôi lẫn máu của bao thế hệ người Việt Nam đi canh giữ đất trời, quê hương xứ sở.

Đến với Trường Sa hôm nay, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến những bất ngờ khác. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi đều được chứng kiến hình ảnh kiên cường, kiêu hãnh của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ đất trời nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Không những thế, mỗi một tư liệu quý, một công trình xây dựng ở đảo lại mang đến những cảm xúc rất đặc biệt đối với khách đến từ đất liền.

Đoàn công tác đi Trường Sa của chúng tôi lần này ngoài nhiệm vụ tuyên truyền còn thăm, chúc tết… cán bộ, chiến sĩ ở các đảo. Nhưng không chỉ người ở trong đất liền mang hơi ấm ra đảo, mà chứa chan từ trong từng câu nói, buổi giao lưu, bữa cơm thân mật ở đảo đã toát lên biết bao tình người, tình đồng đội kề vai sát cánh bên nhau. Nhạc sĩ Vũ Văn Lực (trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc) bồi hồi xúc động: “Có đi mới biết ân tình của đất liền đối với Trường Sa lớn như thế nào. Không ở đâu mà cảnh vật, con người ở đây lại gắn bó với nhau đậm sâu đến thế. Giữa biển khơi tình cảm dành cho nhau thật đáng quý và trân trọng biết bao”.

Mỗi chuyến tàu vào đảo nặng nghĩa tình đất liền lại có những chuyến rời đảo xúc động không kém. Nhớ lắm những lần các anh ra tận cầu cảng để tiễn đưa. Phút giây chia ly của những người xa lạ, chỉ mới gặp nhau có một lần sao mà bịn rịn!

Cái khí khái, hào sảng của người lính Trường Sa giữa biển khơi lại thổi bùng thêm ngọn lửa yêu thương, đùm bọc giữa biển khơi rộng lớn. Những chuyến tàu chở nặng ân tình ra đảo không chỉ làm ấm lòng chiến sĩ nơi đảo xa mà còn đếm đong bao nhiêu tình nghĩa của người rời đảo. Đã ra Trường Sa, ngày về lòng người khó thôi lưu luyến; nỗi nhớ Trường Sa, nhớ biển khơi sóng vỗ tô thêm vẻ đẹp cho hình hài Tổ quốc.

Hẹn gặp lại, Trường Sa ơi!

Phút chia tay lưu luyến giữa chiến sĩ Trường Sa với người về đất liền.  Ảnh: K.VINH

Dẫu biết cuộc hội ngộ nào cũng phải đến lúc chia ly, nhưng cuộc chia tay của chúng tôi với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa đến thật quá nhanh. Mới đây thôi, chúng tôi vừa lên tàu rời Quân cảng Cam Ranh còn biết bao dự định, tình cảm mang ra đảo, đến với Trường Sa thân yêu mới đó đã đến ngày chia tay trở lại đất liền.

Đêm trước ngày chia tay trở về đất liền, đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa sang tận phòng ở của phóng viên tại xã đảo Song Tử Tây gặp chúng tôi. Trên tay ông, vốn dạn dày gió sương của đảo là một cây bàng vuông thật đẹp. Lá của nó xanh mượt, nhẵn bóng. Ông tươi cười nói: “Trường Sa không có gì làm quà, xin tặng Báo Bình Dương cây bàng vuông xanh khỏe này coi như tấm lòng của đảo cho đất liền. Mong cây sống khỏe để sau này các đồng chí ngồi dưới tán cây bàng vuông còn nhớ đến đảo xa đang có những người chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc”.

Tôi nhận cây bàng vuông mang từ đảo ra tàu 996, bắt đầu chuyến đi dài vào bờ mà lòng vui khôn xiết. Giữa nắng gió Trường Sa, cây bàng vuông kiêu hãnh vươn những mầm xanh thật đẹp như chính cái tình cảm nồng ấm của người lính đảo đối với đất liền. Đại diện các địa phương như Hải Dương, Thái Nguyên, Lâm Đồng… cũng có những món quà của đảo. Có người mang về đất liền những cây dừa xanh Trường Sa, có người mang hạt bàng vuông, có người lại mang những bức thư của người lính đảo gửi về đất liền…

Con tàu 996 chở đoàn công tác tiến vào vịnh Cam Ranh, kết thúc chuyến hải trình dài ngày đi Trường Sa làm nhiệm vụ. Nhớ đất liền, anh em phóng viên, chiến sĩ lên boong tàu dõi mắt về đất liền, reo vui. Giữa lúc ấy tôi bắt gặp thiếu tá Phan Viết Thắng bâng khuâng đứng nhìn xa xăm về phía biển. Anh tâm sự: “Tôi nhớ Trường Sa không chịu được. Đi bộ đội được 10 năm, đi Trường Sa 3 chuyến rồi nhưng không lần nào về bờ lại nguôi nhớ đảo. Ở ngoài đó anh em đồng đội tôi vẫn ngày đêm bám giữ đảo, thực hiện nhiệm vụ…”. Ra thế, ít nơi như Trường Sa, tình đồng chí, đồng đội đậm sâu đến thiêng liêng như vậy.

Cam Ranh một sớm mai nắng ấm, sóng biển rì rào dịu êm khiến cho lòng người vào bờ bâng khuâng khó tả. Còi tàu 996 hú lên 3 tiếng như tiễn biệt người về đất liền sau chuyến đi ý nghĩa ra Trường Sa. Trong tiếng cười vui của anh lính hoàn thành nhiệm vụ, vào bờ còn xen lẫn cả những giọt nước mắt, cái bắt tay lưu luyến không thôi của những anh em đồng đội với nhau. Chào tạm biệt nhé Trường Sa, hẹn ngày gặp lại…

LÝ KHÁNH VINH

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.