Hotline: 0274 383 347
Thứ hai, 12-5-25 07:11:34

Tổ quốc bên bờ sóng: Làng đóng tàu cổ bên sông Thu Bồn

0

Kỳ 23: Làng đóng tàu cổ bên sông Thu Bồn

> Xem kỳ trước

Chúng tôi bâng khuâng dừng chân ở làng đóng tàu cổ Kim Bồng bên dòng sông Thu Bồn chảy vắt qua thành phố di sản Hội An. Làng nghề đóng tàu cổ tồn tại qua bao đời, đã đóng biết bao con tàu chinh phục biển cả cho các thế hệ ngư dân Việt.

Làng nghề luôn vang tiếng đục

Thành phố cổ Hội An với hoạt động giao thương tấp nập trong quá khứ, trở thành nơi giao thoa kinh tế, lịch sử, văn hóa. Ở đó, nghề đóng tàu cũng có sự giao thoa giữa các kỹ thuật đóng tàu truyền thống lâu đời của Việt Nam, Chămpa, Trung Quốc và Pháp. Kết quả sự giao thoa của các nền tảng kỹ thuật đặc sắc ấy đã biến nơi đây trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc cho ngư dân khắp dải miền Trung tìm về đóng tàu. Theo nhiều tư liệu cổ, có cả sắc phong từ thời Tây Sơn, làng nghề đóng tàu Kim Bồng, TP.Hội An đã đóng góp hàng trăm chiến thuyền để quân Tây Sơn đánh giặc cùng hàng ngàn thợ đóng tàu đi tu bổ thuyền bè, chiến đấu qua các triều đại phong kiến.

Người làng Kim Bồng đóng tàu lớn trên 1.000CV giúp ngư dân vững tin khi bám biển. Trong ảnh: Đóng mới tàu lớn tài xưởng đóng tàu Đỗ Văn Thành

Kim Bồng hôm nay đã trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc và hấp dẫn bên bờ sông Thu Bồn. Bằng những chuyến phà với hành trình ngắn, du khách có thể vượt sông Thu Bồn, từ phố cổ Hội An thăm làng đóng tàu cổ âm thầm góp tàu thuyền cho ngư dân vươn khơi. Làng nghề bây giờ, sau hàng trăm năm với bao biến cố lịch sử vẫn rộn vang tiếng đục, cưa xẻ, bào, giã… đặc trưng của nghề đóng tàu gỗ. Ông Nguyễn Nhân, một chủ cơ sở đóng tàu ở Kim Bồng, cho biết: “Tổ tiên chúng tôi đã bao đời đóng tàu, thuyền đi biển. Tàu, thuyền do người Kim Bồng đóng nức tiếng gần xa. Tiên nghiệp của cha ông muôn đời truyền lại, chúng tôi nguyện phải giữ gìn và phát huy…”.

Nói đoạn, ông Nhân đưa chúng tôi đi thăm xưởng đóng tàu của mình. Ở chỗ của ông, tàu nhỏ, ghe du lịch có đội phụ trách riêng; tàu có công suất lớn trên 200CV thì có những đội đóng tàu chuyên nghiệp hơn, có khi phải thuê thêm người từ khắp nơi về Kim Bồng làm theo thời vụ. Anh Nguyễn Lập, một thợ đóng tàu ở đây cho biết, anh đã học đóng tàu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Làm nghề để sinh nhai nhưng điều quan trọng là để giữ nghề của cha ông truyền lại. Người làng Kim Bồng dù sau này có đi đâu, làm gì, ai cũng biết phát huy nghề đóng tàu, giúp ngư dân bám biển, giữ biển….

Tàu QNa 90170 được đóng mới, chuẩn bị rời sông Thu Bồn vươn ra biển khơi

Tàu lớn vươn khơi

Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết chính quyền luôn quan tâm giữ gìn, khôi phục và phát triển làng đóng tàu cổ Kim Bồng. Làng nghề với truyền thống và lịch sử, còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa. Những năm gần đây, tự thân các cơ sở đóng tàu của làng cũng hiện đại hóa máy móc, chú trọng khâu thiết kế… để đáp ứng nhu cầu đóng tàu lớn của ngư dân khắp nơi tìm về đặt hàng.

Làng nghề đóng tàu cổ Kim Bồng không chỉ có những người yêu nghề, hoài cổ trông mong vào những dự án du lịch, biến làng nghề đóng tàu thành điểm tham quan, giải trí. Chúng tôi tìm đến cơ sở đóng tàu Đỗ Văn Thành tại xã Duy Vinh cách Kim Bồng không xa. Anh Thành cho biết kế tục truyền thống đóng tàu của cha ông, anh miệt mài tìm cách đóng tàu ngày càng lớn hơn, đáp ứng đầy đủ sự kỳ vọng của ngư dân tìm đến với mình.

Tại xưởng đóng tàu của anh Thành, dù thời gian đã quá trưa nhưng ai cũng khẩn trương làm việc, không ngơi tay. Xưởng khá rộng với hàng chục công nhân, mỗi người một công đoạn đang chung tay đóng nhiều tàu lớn, công suất trên dưới 1.000CV. Anh Thành cho biết: “Năm nay, nhu cầu đóng tàu lớn của ngư dân tăng vọt. Hàng năm chúng tôi chỉ nhận được đơn đặt hàng khoảng 4 - 5 chiếc trên 1.000CV. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, xưởng chúng tôi đã bàn giao 4 chiếc và hiện đang đóng 11 chiếc trên 1.000CV cho ngư dân nữa…”.

Anh Thành giới thiệu cho chúng tôi xem chiếc tàu thứ 5 đã hoàn thiện phần vỏ và hạ thủy, chờ lắp máy, bàn giao cho khách hàng. Dưới trưa đầy nắng bên dòng sông Thu Bồn lồng lộng gió, chiếc tàu đánh cá QNa 90170 TS xanh mát, nằm bên bờ sóng. Cờ Tổ quốc đang tung bay trên nóc cabin và con tàu như chỉ chực vươn mình về phía biển Đông cùng ngư dân đánh bắt hải sản, giữ vững ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cách con tàu không xa, ngư dân trẻ Nguyễn Đức Vỹ cũng đang miệt mài hoàn thành những công đoạn cần thiết trong việc đóng tàu gỗ công suất 1.100CV, lắp 3 máy. Anh Vỹ cho biết: “Tàu chúng tôi hoạt động đánh bắt thủy sản trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nên nhiều lần bị tàu nước khác bao vây, đuổi bắt, đâm va, gây khó khăn trong việc đánh bắt xa bờ. Chính vì thế, năm nay tôi quyết định cùng một số ngư dân khác đóng tàu trọng tải 50 tấn, công suất lớn để vững tâm hơn trên biển…”.

Người dân Kim Bồng bao đời nay là vậy, vẫn ngày đêm đóng những con tàu vươn khơi bám biển, sống chết với biển cho dù trải qua bao binh biến, luôn quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển trời quê hương đất nước. Nói như người thợ đóng tàu già Nguyễn Phẩm, năm nay đã 71 tuổi của làng nghề: “Kim Bồng không chỉ là làng có nghề đóng tàu truyền thống mà còn có sức sống bền bỉ của tinh thần tiến về biển Đông bao đời nay của ngư dân trong làng…”.

Kỳ 24: Sang Fish cưỡi gió, đạp sóng ra biển lớn

KHÁNH VINH – KIÊN GIANG

Từ khóa:

Căng sức phòng lửa, giữ rừng

Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ duy nhất của tỉnh Bình Dương, được ví như “lá phổi xanh” đặc biệt để điều hòa khí hậu trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.