Hotline: 0274 383 347
Thứ tư, 14-5-25 19:43:18

Trào lưu độ xe và hiểm nguy đi cùng...

0

Chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, chủ sở hữu xe gắn máy có thể nhờ các lò độ “hô biến” chiếc xe của mình thành những chiếc mô tô “siêu hạng”. Điều đáng lo ngại là những chiếc xe này sau khi thay đổi kết cấu đã không còn an toàn khi lưu thông trên đường.

“10 triệu đồng là xe đẹp như mơ”

Nhiều ngày thâm nhập vào các lò độ xe với vai trò một người có nhu cầu độ xe Exciter, chúng tôi nhận được nhiều gợi ý, mời gọi từ các chủ lò độ. Theo lời họ, chủ xe chỉ cần bỏ ra một khoản tiền từ 8 đến 10 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe vừa đẹp vừa chạy nhanh như những chiếc mô tô phân khối lớn.

Đang trao đổi với một khách hàng có nhu cầu “độ tăng tốc” chiếc xe Yamaha Exciter RC 2011, chủ một lò độ xe ở TP.Thủ Dầu Một dừng ngang cuộc nói chuyện để tiếp đón mối khách quen. Vị khách quen này chạy chiếc xe Sirius nhãn hiệu Yamaha đến trước cửa tiệm, nói với chủ lò độ vài câu rồi nhảy lên một chiếc xe đang nổ máy chờ sẵn ở ngoài đi mất hút. Quay lại cuộc trò chuyện với vị khách đang ngồi chờ trong tiệm, chủ lò độ cho biết: “Thằng này là khách quen, nó muốn đôn phuộc sau, hạ phuộc trước, mở cổ pô, giải mã IC và lên lò xo Suzuki. Gút giá 5 triệu đồng đó!”.

  Đằng sau các cuộc vui từ việc độ xe (ảnh trên) là những hình ảnh đau thương (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo chủ lò độ xe này, “sau khi lên đời xe sẽ mướt và đặc biệt là chạy khỏe hơn”. Vừa nói, người đàn ông này vừa móc điện thoại ra mở ảnh chụp từ những chiếc xe trước và sau khi độ. Trong số này, chủ lò này ưng ý nhất vẫn là chiếc xe Honda Future Neo màu xanh BS 61N1-50XX. Bởi theo ông này, chiếc Future Neo nói trên sau khi độ không những có kiểu dáng đẹp mà còn có thể chạy với tốc độ từ 140 đến 150km/giờ trong điều kiện đường trường. “Chiếc Neo này chỗ tui làm hết 12 triệu đồng, nhưng mang ra ngoài chạy ai cũng đoán trên 20 triệu đồng”, ông chủ này khoe với khách.

Tương tự, tiệm sửa xe T.L. nằm trên đại lộ Bình Dương cũng nhận dịch vụ đại tu, lên đời cho các loại xe Dream, Wave, Sirius, Future Neo, Jupiter, Exciter... Trong vai khách hàng có nhu cầu độ xe, phóng viên được chủ tiệm sửa xe báo giá 10 triệu đồng cho việc gắn thêm IC, mở cổ pô, lên lò xo Suzuki và thay xích cam tăng tốc cho chiếc Exciter đời 2011. Ông chủ tiệm T.L. “hứa danh dự”: “Sau khi độ xong, chú chỉ việc mang xe về đua với mô tô thôi”. Theo ông này, sau khi lên những món đồ trên, tốc độ tối đa của chiếc xe Exciter nói trên sẽ đạt trên 150km/giờ khi vận hành trên những cung đường đẹp.

Khi khách tỏ vẻ nghi ngờ, ông chủ tiệm T.L. đặt vấn đề về việc viết giấy cam kết, bảo hành xe sau khi độ. Theo đó, ông này “bao tốc độ và các vấn đề ảnh hưởng đến máy móc” .

Rình rập nguy cơ tai nạn!

Chuyện dân chơi bỏ tiền độ xe tăng tốc, nhìn bắt mắt... đã không còn xa lạ gì với nhiều người. Tuy nhiên, những điều lợi bất cập hại thì không phải ai cũng biết. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ xuất phát từ nguyên nhân thay đổi kết cấu xe, tổ chức đua xe trái phép...

Trong thời gian tìm hiểu về đề tài này, phóng viên có dịp tiếp xúc với “quái xế” Nguyễn Văn H. (19 tuổi, ngụ TX.Dĩ An), khi người thanh niên này còn bó bột sau một vụ tai nạn. Sau một lúc thuyết phục, H. mới chịu kể cho chúng tôi nghe về ngày kinh hoàng cách đây 2 tháng. “Hôm đó, đi ăn sinh nhật của một người bạn cùng lớp đại học về đến quốc lộ 1K thì mấy đứa bạn nổi hứng rủ đua xe. Tại đang chạy chiếc Future Neo độ nên em cũng chiều luôn. Ai ngờ...”.

Nhận lời thách đố của mấy người bạn, H. tấp chiếc xe Honda Future Neo vào lề đường kiểm tra nhiên liệu và hệ thống vận hành của xe. Sau khi chắc chắn mọi thứ đã ổn, H. và 3 người bạn kéo nhau ra dàn hàng chờ hiệu lệnh xuất phát. Nhóm bạn còn lại đứng bên đường hò reo, cổ vũ các “tay đua”. Sau khi xuất phát được 200m, bằng những ngón nghề, H. nhanh chóng bỏ rơi các đối thủ và tiếp tục lên ga thì xe bị gãy phuộc nhún phía trước khi vấp phải một cục đá. “Lúc đó xe em chạy với tốc độ khoảng 140km/giờ nên không xử lý được”, H. nói.

Chiếc xe của H. trước khi bị tai nạn đã được một lò độ “lên đời” một số món đồ như: Lò xo Suzuki, đôn phuộc mô tô, gắn IC Malaysia, thay xích cam, thay bình xăng con... “Sau khi độ xong, con Future Neo của em lướt êm như gió, chỉ nhích ga một tí là lên 100km/giờ!”, H. tự hào.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả giám định từ ngành chức năng, H. ngớ người ra khi biết nguyên nhân của vụ tai nạn là do việc đôn phuộc gây mất thăng bằng, dẫn đến việc gãy phuộc. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, kỹ sư của một cửa hàng xe gắn máy ở Thủ Dầu Một cho biết, nhà sản xuất đã tính toán mọi thông số về trọng lượng, công suất của xe, mọi thay đổi về kết cấu của xe sẽ gây mất an toàn cho người sử dụng. Riêng về trường hợp của quái xế H., ông Trung cho biết: “Việc khách hàng đôn phuộc sau lên, hạ phuộc trước xuống sẽ giúp xe nhìn giống mô tô nhưng sẽ không an toàn, vì khi đó toàn bộ trọng lực của xe sẽ dồn về phía trước, rất dễ gây nên hiện tượng gãy phuộc trước”.

Trước đây, các chuyên gia của nhiều hãng xe gắn máy nổi tiếng từng khuyến cáo đối với khách hàng “không nên có bất kỳ sự thay đổi nào về kết cấu của xe, bởi nếu sai một chi tiết nhỏ cũng đủ khiến người điều khiển xe gặp nguy hiểm”.

Cùng ý kiến với các nhà sản xuất, ông Võ Văn Lớp, Đội trưởng Đội đăng ký xe, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Bình Dương cho rằng, việc giữ nguyên kết cấu ban đầu của xe không những thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng xe mà còn giúp người điều khiển tránh được những tai nạn đáng tiếc vì các vấn đề máy móc, kết cấu. ..

Theo điều 33, 36 và 38, Nghị định 71 sửa đổi và bổ sung năm 2012 của Chính phủ, những hành vi vi phạm về luật đăng kiểm xe mô tô, gắn máy như tự ý thay đổi kết cấu, chủng loại, màu sơn của xe, đục lại số khung, số máy... sẽ bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 10 triệu đồng. Đối với một số hành vi vi phạm như tổ chức đua xe, đua xe, cổ vũ đua xe... có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng và tịch thu phương tiện. Đối với những trường hợp vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

ĐÌNH THẮNG

Từ khóa:

Căng sức phòng lửa, giữ rừng

Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ duy nhất của tỉnh Bình Dương, được ví như “lá phổi xanh” đặc biệt để điều hòa khí hậu trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.