Hotline: 0274 383 347
Chủ nhật, 4-5-25 08:49:31

Xây lý tưởng ở chốn lao tù- Kỳ 7

0

Kỳ 7: Tiếp bước dưới cờ Đảng

Trong chốn lao tù khắc nghiệt, gian khổ của chế độ Mỹ - Ngụy, tổ chức cơ sở Đảng của ta vẫn từng bước hình thành và phát triển. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng trong nhà tù thực hiện lúc bấy giờ là xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục lực lượng đoàn viên, thanh niên trở thành cánh tay đắc lực của Đảng, là lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh.

Ông Nguyễn Hoàng Trung nâng niu tấm Kỷ niệm chương do Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng cho những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm 1995

Ra chí anh hào…

Ngôi nhà của ông Nguyễn Hoàng Trung, một cựu tù chính trị, cựu Bí thư Đoàn thanh niên trong nhà tù Phú Quốc nằm lọt thỏm trong một con đường nhỏ tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Ông Trung sinh năm 1945, là một chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng. Dù những di chứng của chiến tranh làm cho việc đi lại của ông khó khăn do cả 2 chân ông đều bị thương, nhưng ông vẫn cố gắng chống gậy ra tận cổng đón chúng tôi. Trong suốt câu chuyện, không khí vui tươi, sôi nổi luôn được ông tạo ra, từ thời gian còn cầm súng chiến đấu hay giai đoạn bị địch bắt đọa đày nơi tù ngục. Ông hóm hỉnh nói: “Chắc là do dòng máu nhiệt huyết của Đoàn vẫn còn chảy trong người tôi…”. Năm 16 tuổi, ông Trung đã tham gia cách mạng, làm liên lạc rồi làm du kích, sau đó biên chế về Tiểu đoàn Phú Lợi.

Do quá trình rèn luyện tốt nên năm 1965, ông được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lúc đó mang tên là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Ông bảo: “Việc kết nạp Đoàn cho thanh niên giai đoạn chiến tranh được tiến hành kỹ lưỡng, lý lịch cũng phải được thẩm định kỹ càng. Vì vậy, lúc này được vào Đoàn là niềm vinh dự rất lớn của thanh niên, ai cũng hăng hái ra sức giết giặc lập công”. Mang trọng trách mới, đoàn viên Nguyễn Hoàng Trung đã nêu cao quyết tâm rèn luyện, hăng hái tham gia vào các trận đánh. Vào tháng 8-1966, trong trận càn của địch vào Nhà Đỏ - Bông Trang, do bị chỉ điểm, ông bị phục kích, bị thương nặng, sau một ngày đêm cố thủ dưới hầm, cuối cùng ông bị địch bắt. Trước những đòn roi tra tấn dã man của địch, dù bị thương nặng và rất đau đớn nhưng ông quyết tâm không khai nửa lời. Sau đó, địch chuyển ông qua nhiều địa điểm giam giữ, đến năm 1968 ông bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Do đã bắt liên lạc với tổ chức cơ sở Đảng của ta từ trong đất liền, nên khi ra đây, ông được chỉ định làm Bí thư Chi đoàn tại các phân khu D3, B6, B11, B10. Với trách nhiệm của mình, vượt qua những gian khổ, đắng cay, thân thể bị tàn tật, người cán bộ Đoàn Nguyễn Hoàng Trung đã tổ chức cơ sở Đoàn trong nhà tù từng bước trưởng thành, trở thành cánh tay đắc lực của cấp ủy Đảng trong chốn lao tù.

Tiếp bước dưới cờ Đảng

Thường xuyên được liên lạc với cấp ủy Đảng, ông đã tham mưu xây dựng các chương trình, hoạt động cơ sở Đoàn phù hợp với hoàn cảnh chốn lao tù. Ông nói: “Mọi hoạt động của chi đoàn lúc này đều nằm dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là từ đồng chí Hai Lầu và đồng chí Hai Tiến. Các đồng chí trong chi bộ cũng rất quan tâm đến tình hình tư tưởng, cách thức sinh hoạt của anh em đoàn viên, thanh niên. Nhiệm vụ của chúng tôi được giao là đi trước một bước so với cấp ủy Đảng để nắm tình hình quần chúng sau đó báo cáo lại”.

Lúc này việc nắm bắt tư tưởng quần chúng là hết sức khó khăn vì số lượng tù binh các khu rất đông, rất có thể có chiêu hồi ngầm do địch cài cắm, vì vậy việc nắm bắt tư tưởng của quần chúng phải được thực hiện một cách cẩn thận, khéo léo. Ông kể lại, có lần địch bắt người của phòng ra làm công tác điểm danh, đứng gác cổng cho chúng. Thấy đây là cơ hội tốt, ông đã xung phong ra làm và “tương kế, tựu kế” lợi dụng tình hình này để tìm hiểu, nắm bắt tình hình của quần chúng được rộng rãi hơn. Từ đây, ông cũng có cơ hội đọc các tờ báo của bọn quân cảnh để lại. Đây là kênh thông tin hữu ích để nắm tình hình bên ngoài, sau đó ông báo cáo, thông tin lại cho cấp ủy Đảng. Khi đã nắm chắc tình hình tư tưởng anh em, ban chấp hành chi đoàn hàng tuần đều tiến hành kiểm điểm, tổ chức sinh hoạt thường xuyên để khuyên nhủ đoàn viên, thanh niên giữ vững khí tiết của người tù cách mạng, trung thành với lý tưởng của Đảng, không sa ngã đầu hàng địch.

Để nâng cao nhận thức, trình độ học vấn cho đoàn viên, thanh niên, ông đã bí mật tổ chức lớp học văn hóa, tổ chức sinh hoạt thơ cách mạng ngay trong nhà tù. Người biết chữ nhiều thì dạy cho người biết chữ ít, ai thuộc bài thơ nào của cách mạng thì đọc ra để người khác nghe và học thuộc. Nhiều bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Giang Nam… được các đoàn viên, thanh niên học thuộc lòng. Chính từ những buổi học này, nhiều đồng chí đã biết đọc, biết viết, tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu của đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn được nâng lên. Sau năm 1972, sắp đến thời điểm ký kết Hiệp định Paris, việc đàn áp của địch có giảm, Ban chấp hành chi đoàn còn tổ chức sinh hoạt công khai, tổ chức ca hát…

Từ việc được giáo dục, rèn luyện dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của cấp ủy Đảng nhà tù, các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn luôn nêu cao khí tiết trước những đòn tra tấn, đàn áp của kẻ thù, ngày càng trưởng thành hơn về nhiều mặt. Ông bảo: “Niềm tự hào trong công tác Đoàn giai đoạn này của tôi là không có một đoàn viên, thanh niên nào trong phòng chao đảo, đầu hàng địch”. Dưới sự tập hợp, dẫn dắt của ông, đoàn viên, thanh niên đã bám sát cấp ủy Đảng, bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng của mình trước những thủ đoạn của kẻ địch. Trong những cuộc đấu tranh, đoàn viên, thanh niên thường xông lên trước, bất chấp đổ máu và hy sinh. Tuy nhiên, khi tiến hành các cuộc đấu tranh như tuyệt thực đòi dân sinh, dân chủ, không tra tấn người tù, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Ban chấp hành chi đoàn cũng tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đấu tranh theo đúng phương pháp, có điểm dừng thích hợp, tránh nôn nóng để bảo toàn lực lượng. Có giai đoạn địch nghi ngờ, bắt ông ra ở trại biệt giam được quây bằng hàng rào thép kẽm gai phơi nắng phơi sương, ăn uống kham khổ trên 10 ngày, sức khỏe bị kiệt quệ nhưng ông vẫn đứng vững, kiên trung bảo vệ tổ chức của mình. Khi trở về phòng giam, ông lại hăng hái tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng đã giao, bất chấp những khó khăn, gian khổ.

Ông Trung tâm sự: “Những lúc khó khăn nhất, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn luôn đoàn kết, khuyên nhủ nhau cùng chịu đựng gian khổ. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi tất yếu của cách mạng đã giúp cho những người đoàn viên, thanh niên trong chốn lao tù vượt qua những gian khổ, thách thức, cám dỗ để toàn thắng trở về với cách mạng, với nhân dân. Lớp trẻ hôm nay có nhiều điều kiện để phát triển toàn diện, vì vậy hãy ra sức học tập, lao động và cống hiến để tiếp lửa truyền thống của những thế hệ đi trước, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp… ”.

Loạt ký sự như những thước phim về biểu tượng của lòng dũng cảm…

Những người tù chính trị là nhân chứng lịch sử làm sáng rõ thêm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong lao tù. Tôi đọc loạt ký sự “Xây lý tưởng ở chốn lao tù” trên báo Bình Dương mà như đang được xem nhưng thước phim quay chậm về sự tàn bạo của quân xâm lược. Đây cũng là những thước phim về sự đấu tranh kiên cường, vượt lên mọi đau thương của những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, là biểu tượng của lòng dũng cảm, sức chiến đấu vô song của những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh. Họ bất chấp đòn roi tra tấn của kẻ địch, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do, hòa bình cho quê hương, đất nước.

Kế thừa truyền thống anh dũng bất khuất của lớp lớp cha ông, tuổi trẻ chúng tôi hôm nay đang ngày đêm ra sức học tập, rèn luyện để trang bị kiến thức, hoàn thiện nhân cách, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lao động sáng tạo không mệt mỏi trên mọi lĩnh vực với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và mong các cô chú, các thế hệ đi trước hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình, bằng trái tim của những người con trung thành với với quê hương, với truyền thống cách mạng và bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng gánh vác mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Đảng…

(Nguyễn Thanh Thảo, đảng viên trẻ, cán bộ Văn phòng Hội LHTN tỉnh)

 

Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn

CAO SƠN

Từ khóa: lý tưởng

Để cho đất nước đứng lên...

Trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30. 4.1975 - 30.4.2025), chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác tỉnh Bình Dương đến thăm và tìm hiểu về các khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Côn Đảo

Gặp gỡ vị tướng “trưởng thành qua trận mạc”

Trung tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, trưởng thành từ một binh nhì lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu thủ đô, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Tiệm mì 1K ấm lòng người lao động nghèo

Với tâm nguyện giúp người lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, bà chủ một cửa hàng gốm sứ ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa (TP.Thuận An) mở tiệm mì 1.000 đồng/tô trên Quốc lộ 13.

Lễ hội Miếu Ông Bổn: Mãn nhãn với nhiều hoạt động độc đáo

Cứ đúng vào dịp 16 tháng Giêng Âm lịch, tại TP.Thủ Dầu Một diễn ra Lễ hội Miếu Ông Bổn.

Rộn ràng không khí vui chơi ngày xuân

Những bộ áo dài rực rỡ cùng sắc hoa mai, hoa đào nở rộ khắp các nẻo đường, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động cho mùa Xuân Ất Tỵ 2025.

Tết ấm nghĩa tình ở Trường Sa

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn đủ đầy, ấm áp nghĩa tình quân - dân.

Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân

Côn Đảo trước thềm xuân...

Khi đất trời hòa cùng lòng người trong không khí rộn ràng của mùa xuân cũng là lúc những chuyến tàu chở các đoàn công tác cùng những món quà tết lại rời bến mang theo tình cảm yêu thương, không khí tết của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ

Những người thầy “gieo chữ” ở Trường Sa

Thời gian qua, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, những người thầy ở đất liền đã tình nguyện đến quần đảo Trường Sa “gieo chữ” cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.

Hải đăng An Bang "soi đường" ngư dân bám biển

Đảo An Bang tọa lạc ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.