Hotline: 0274 383 347
Thứ năm, 24-4-25 13:22:15

Côn Đảo từ 'địa ngục trần gian' đến 'thiên đường du lịch'

0

Từ nơi từng được coi là “địa ngục trần gian," Côn Đảo đã vươn mình thành viên ngọc quý giữa Biển Đông - nơi lưu giữ ký ức đau thương nhưng đầy tự hào, hòa quyện giữa thiên nhiên và lịch sử hào hùng.

Nhà tù Phú Hải là đài tưởng niệm hùng hồn về sự đấu tranh, là tinh thần kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản và những người ái quốc. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Nhà tù Phú Hải là đài tưởng niệm hùng hồn về sự đấu tranh, là tinh thần kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản và những người ái quốc.

Nằm cách đất liền hơn 230km, Côn Đảo từng là nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng và tù chính trị Việt Nam. Vào ngày 1-5-1975, Côn Đảo chính thức được giải phóng, khép lại một chương lịch sử 113 năm mang tên “địa ngục trần gian," mở ra thời kỳ mới của hòa bình, phát triển.

Sau 50 năm, Côn Đảo đã khoác lên mình một diện mạo mới, trở thành “thiên đường du lịch sinh thái, lịch sử và tâm linh."

Giao thông thuận lợi, đời sống đổi thay

Chỉ hơn một năm sau ngày giải phóng, tháng 8/1976, trong chuyến thăm lại Nhà tù Côn Đảo, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại, Côn Đảo là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau."

Sau 50 năm giải phóng, trường học cách mạng vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn ở huyện Côn Đảo. Hệ thống Di tích Nhà tù Côn Đảo cùng với Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo giờ đây đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam.

Kế thừa truyền thống kiên trung, bất khuất của cha ông, 50 năm sau ngày giải phóng, cùng với sự quan tâm của Trung ương và địa phương, các thế hệ cán bộ, quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển.

Hiện nay, hệ thống đường giao thông trên đảo được đầu tư xây dựng đồng bộ; các tuyến tàu khách cao tốc kết nối Côn Đảo với huyện Trần Đề (Sóc Trăng), thành phố Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách từ đất liền ra đảo và ngược lại.

Sân bay Côn Đảo có đường băng cất hạ cánh dài 1.830m, đón các loại máy bay ATR72 và tương đương. Hiện nay, có hai hãng hàng không đang khai thác các tuyến bay đi và đến Côn Đảo.

ttxvn-con-dao-6.jpg
Hạ tầng giao thông đường hàng không, sân bay Côn Đảo có đường băng, cất, hạ cánh dài 1.830m, đón các loại máy bay ATR72 và tương đương

Ông Trần Hữu Trung, người dân Khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo, chia sẻ: “Tôi thấy Côn Đảo nay đã đổi thay rất nhiều, hệ thống đường xá được đầu tư khang trang sạch đẹp, nhiều phương tiện kết nối với đất liền từ đường thủy, đường hàng không, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân."

Hệ thống điện, nước tại Côn Đảo cũng được quan tâm đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tháng 7/2023, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo, kết nối từ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến Côn Đảo, với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng. Mới đây, tháng 3/2025, tại xã Hòa Lạc, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, dự án đã được khởi công. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.

ttxvn-con-dao-10.jpg
Hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 cơ sở giáo dục. Buổi học tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Các trường học được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, phòng chức năng khang trang, hiện đại, sạch sẽ, đầy đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, đảm bảo cho việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Cô Võ Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, cho biết những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, các trường học trên địa bàn huyện Côn Đảo đã được đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, sạch đẹp. Giáo viên được trang bị các thiết bị dạy học đầy đủ. Các tiết học thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ AI để bài học thêm sinh động, hấp dẫn, tạo sự hứng thú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Trung tâm Quân-Dân y huyện Côn Đảo vừa được khánh thành và đưa vào hoạt động với quy mô 5 tầng. Giai đoạn 1 có quy mô 60 giường với các khoa, phòng chức năng gồm: cấp cứu-hồi sức tích cực chống độc; chẩn đoán hình ảnh; dinh dưỡng; phẫu thuật; xét nghiệm; khu hành chính; khám và điều trị nội, ngoại trú. Công trình góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và du khách.

Nhiều công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng, internet, wifi, mạng 4G, truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất… được phủ sóng gần như toàn bộ khu vực đảo lớn Côn Sơn và các đảo nhỏ đã có sóng điện thoại. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo không ngừng được nâng lên.

ttxvn-con-dao-7.jpg
Trung tâm Quân-Dân y huyện Côn Đảo vừa được khánh thành đưa vào hoạt động quy mô 5 tầng

Cùng với các thiết chế văn hóa, hằng năm, huyện Côn Đảo đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống như Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, Lễ hội đua bè truyền thống..., đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công ở Côn Đảo cũng rất được chú trọng. Toàn huyện hiện có 74 người có công, gia đình chính sách. Bên cạnh chế độ chăm lo của Đảng, Nhà nước, những người có công, gia đình chính sách còn luôn được thăm hỏi, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết...

Hướng tới du lịch xanh, bền vững

Huyện Côn Đảo là địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước triển khai Đề án kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên trong lành, hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt để phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Không chỉ có giá trị lịch sử, Côn Đảo còn được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Những năm qua, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo thương hiệu đặc trưng cho Côn Đảo, với đa dạng loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, về nguồn, du lịch nghỉ dưỡng...

Côn Đảo có Vườn quốc gia được công nhận là Khu Ramsar quốc tế, Vườn Di sản ASEAN, với hệ động thực vật nguyên sinh, đa dạng, phong phú, diện tích gần 20.000 ha, bao gồm gần 6.000 ha rừng và 14.000 ha vùng biển. Bên cạnh đó, Hệ thống Nhà tù Côn Đảo được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với hệ thống 20 di tích, là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.

ttxvn-con-dao-12.jpg
Du khách trải nghiệm tour du lịch sinh thái và trải nghiệm xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về môi trường tự nhiên

Sinh cảnh, môi trường Côn Đảo liên tiếp ghi dấu ấn đẹp trên các kênh truyền thông lớn khi được bầu chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Gần đây nhất, Côn Đảo được xếp vào danh sách 24 điểm đến hoang sơ của Tạp chí Time Out nước Anh.

Hiện, huyện có 146 cơ sở lưu trú với 2.923 phòng, sức chứa 7.598 người/ngày; trong đó có 1 resort 5 sao; 5 khách sạn 4 sao và tương đương; 3 khách sạn 3 sao và tương đương; 137 khách sạn tiêu chuẩn 1-2 sao và nhà khách, nhà nghỉ, nhà có phòng cho khách thuê. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Côn Đảo đón trên 500.000 lượt khách, doanh thu bình quân 1.400 tỷ đồng.

Theo Quyết định 566/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-6-2024, phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2045, Côn Đảo sẽ được xây dựng, phát triển với tính chất là Khu du lịch văn hóa-lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử, khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đất ngập nước của quốc gia và quốc tế, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh.

Từ nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian," Côn Đảo đã vươn mình trở thành viên ngọc quý giữa Biển Đông - nơi lưu giữ ký ức đau thương nhưng cũng đầy tự hào, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên hoang sơ và lịch sử hào hùng, bất khuất. Giữa nhịp sống hiện đại, Côn Đảo như một lời nhắc về giá trị của hòa bình, của độc lập tự do.

Nhìn lại hành trình 50 năm đã qua, mỗi người dân Côn Đảo luôn tự hào, ghi nhớ về lịch sử, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng./.

Theo TTXVN

Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2025

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Ra mắt ấn phẩm tour, tuyến Bình Dương

Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh vừa ra mắt ấn phẩm tour, tuyến Bình Dương nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm một hành trình du lịch cho du khách khi đến với tỉnh Bình Dương.

Du lịch về nguồn: Nhắc nhở mỗi người thêm tự hào về truyền thống quê hương

Cùng với các loại hình du lịch khác, Bình Dương cũng là nơi có nhiều tiềm năng khai thác để phát triển loại hình du lịch về nguồn.

Huyện Dầu Tiếng: Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Huyện Dầu Tiếng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm nhờ sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử phong phú

Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 "Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới"

Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 không đơn thuần là sự kiện văn hóa du lịch thuần túy, mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, một chuyến du hành ngược dòng lịch sử để chạm đến vẻ đẹp của kinh đô xưa.

Toàn tỉnh có 17 khách sạn được xếp hạng sao

trên địa bàn tỉnh hiện có 17 khách sạn xếp hạng sao với 1.497 phòng

Doanh thu du lịch toàn tỉnh tăng trên 27%

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính từ đầu năm 2025 đến nay, ngành du lịch tỉnh ước phục vụ khoảng 1,1 triệu lượt khách, so với kế hoạch đạt 31,4% (3,5 triệu lượt)...

Phát huy lợi thế

Trước thông tin UBND tỉnh đangxem xét thông qua phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2.000 Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng...

Khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách

TP.Tân Uyên là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng có thể khai thác để phát triển du lịch.

Khai mạc Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Diễn đàn mang tầm vóc toàn cầu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột không chỉ tôn vinh càphê Việt Nam, biểu tượng của sáng tạo, thành công mà còn là diễn đàn mang tầm vóc toàn cầu.