Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng công nhân năm 2025 do Trung ương phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động và nhân dân trong tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng, nâng cao ý thức, nhằm kéo giảm tai nạn lao động.

Nâng cao ý thức
Cùng với cả nước, tỉnh Bình Dương tổ chức phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Tháng công nhân năm 2025 từ ngày 1-5 đến ngày 31-5. Các hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) tại nơi làm việc; tiếp cận trách nhiệm xã hội về ATVSLĐ đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết trong những năm qua, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm đã tạo sự chuyển biến về ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) về công tác ATVSLĐ, PCCN. “Tuy nhiên, qua báo cáo tổng hợp, phân tích những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong những năm vừa qua cho thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNLĐ xảy ra là do người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ chưa bảo đảm theo quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, nhắc nhở NLĐ trong quá trình làm việc. Nhiều NLĐ còn chủ quan, không tuân thủ quy trình, biện pháp làm việc an toàn”, ông Tuyên nói.
Theo Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 628 vụ TNLĐ, làm chết và bị thương 628 người (tăng 83 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 34 vụ nghiêm trọng, làm chết 34 người (tăng 13 vụ so với cùng kỳ); 73 trường hợp có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%; 435 trường hợp có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%; 86 trường hợp có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 97%.
Riêng 4 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 5 người. Qua đó, cho thấy TNLĐ luôn tiềm ẩn, đòi hỏi người sử dụng lao động cần nâng cao chất lượng huấn luyện về ATVSLĐ. Chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuyên, để hạn chế TNLĐ thấp nhất, việc cần làm là các doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chủ thầu trong lĩnh vực xây dựng phải rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ, PCCN. Việc trang bị kiến thức cho NLĐ về ATVSLĐ, cán bộ quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt các thành phần tham gia lao động sản xuất và các thiết bị máy móc trong quá trình vận hành tại nơi làm việc phải được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.
![]() Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu lao động. Sở đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và NLĐ về thực hiện các quy chuẩn về ATVSLĐ. Sở cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn lao động cho nhóm lao động phi chính thức và lao động tự do. |
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kéo giảm TNLĐ; thăm hỏi, tặng quà những trường hợp bị TNLĐ; kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhà trọ, nhà xưởng thiếu an toàn trong PCCN. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra PCCN, các doanh nghiệp chưa làm tốt ATVSLĐ, các công trình xây dựng được chú trọng.
Công an tỉnh ra quân thực hiện hướng dẫn, kiểm tra PCCN; kiên quyết xử phạt, đình chỉ các cơ sở, doanh nghiệp thiếu an toàn trong PCCN. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tự kiểm tra, giám sát thực hiện ATVSLĐ tại cơ sở, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện kiểm tra định kỳ máy, thiết bị, thiết bị phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc.
Nằm trong các hoạt động nhằm nâng cao ý thức PCCN, ATVSLĐ, Sở Nội vụ vừa tổ chức lớp tập huấn ATVSLĐ kéo dài 4 ngày cho gần 300 đối tượng là người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng và cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ phụ trách công tác ATVSLĐ. Nội dung tập huấn về hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác ATVSLÐ…
Với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, Sở Nội vụ yêu cầu phải xây dựng hệ thống đánh giá các thiết bị đúng theo quy chuẩn, nhận diện và đánh giá các yếu tố có nguy cơ để phòng tránh.
Đối với nhóm lao động phi chính thức, hiện nay tập trung nhiều trong ngành nghề xây dựng, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để NLĐ nắm vững các quy định về an toàn lao động, từ đó hạn chế TNLĐ.
Theo Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh, mỗi năm, dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm TNLĐ, nhưng số vụ TNLĐ cũng như số người chết do TNLĐ vẫn tăng. Do đó, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng và doanh nghiệp, mỗi NLĐ cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, tránh chủ quan để hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm xảy ra.
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ (từ ngày 1-5 đến ngày 31-5), Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, NLĐ và nhân dân chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng với ý thức trách nhiệm cao nhất. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chủ thầu trong lĩnh vực xây dựng tích cực, chủ động tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tại đơn vị, cơ sở. Đối với UBND xã, phường, thị trấn, tập trung tuyên truyền các nội dung về ATVSLĐ, PCCN cho các cơ sở và các hộ sản xuất kinh doanh, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thuộc địa bàn quản lý. |
QUANG TÁM