- Hoa nở trên chiến khu xưa... – Bài 1
- Hoa nở trên chiến khu xưa... Bài 2
- Hoa nở trên chiến khu xưa... Bài 3
- Hoa nở trên chiến khu xưa... Bài 4
Bài 4: Chiến khu Long Nguyên - Vùng đất thép anh hùng
Chiến khu Long Nguyên là một biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và ý chí bất khuất của quân dân miền Đông Nam bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh khốc liệt giữa ta và địch. Ngày nay vùng đất này đang đổi thay từng ngày...
Vùng đất bom cày, đạn xới
Quay ngược thời gian trở về quá khứ, vào cuối năm 1945, thực dân Pháp tái chiếm Bến Cát. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu của cuộc kháng chiến, cuối năm 1946 ta bắt đầu hình thành những chiến khu, như: Chiến khu Đ, Thuận An Hòa, Vĩnh Lợi và Long Nguyên. Năm 1948, nhiều công nhân cao su đã bất hợp tác giặc Pháp, bỏ làng ra Long Nguyên lập căn cứ chống Pháp. Đây là vùng căn cứ rộng lớn, được bao bọc bởi con sông Thị Tính giàu phù sa và những cánh rừng già rậm rạp che phủ.
Căn cứ Long Nguyên nối liền Núi Cậu và tiếp giáp Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Do có vị trí chiến lược, suốt hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Long Nguyên từng là nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng: Khu ủy Miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, cơ quan huyện Bến Cát; các lực lượng vũ trang: Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 301. Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 27-7-1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền; tại miền Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm và bắt đầu thực hiện ý đồ chiến lược biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Bọn chúng thẳng tay đàn áp những người kháng chiến, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề.
Năm 1956, ta bắt đầu xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy chủ trương rút số cán bộ đang bám trong rừng và căn cứ các địa phương về Căn cứ Long Nguyên xây dựng lực lượng; tập hợp xây dựng được 2 tiểu đội, tháng 3-1957 phát triển lên 6 tiểu đội gồm 60 người, biên chế thành 2 trung đội, 1 tiểu đội trinh sát và bộ phận văn phòng. Cuối năm 1957, Mỹ - Diệm dùng xe ủi phá rừng Long Nguyên, di dân từ miền Bắc vào và gom dân lập khu trù mật ở xã Long Nguyên; nhân dân nổi dậy đấu tranh quyết liệt kéo dài gần 2 tháng, cuối cùng chúng phải bỏ dở kế hoạch.
Năm 1965, có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Chiến khu Long Nguyên: Ngày 27- 2-1965 Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Căn cứ Bà Tòng xã Long Nguyên, tất cả các đoàn đại biểu trong tỉnh đều về dự. Ngày 5-6-1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh, mang tên Tiểu đoàn Phú Lợi được thành lập. Một sự kiện diễn ra tại Chiến khu Long Nguyên đó là vào khoảng 9 giờ ngày 18-6-1965, Đế quốc Mỹ đã huy động 27 lượt máy bay B52 ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn, ấp Bờ Cảng, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một gây thương vong cho quân ta và cả người dân vô tội.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc, quân ta đã chọn Căn cứ Căm Xe ở Chiến khu Long Nguyên làm nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Tự hào quá khứ, dựng xây tương lai
Về Chiến khu Long Nguyên hôm nay giữa những ngày tháng 4 lịch sử, đến thăm Khu bia di tích máy bay B52, nơi ghi lại những dấu tích của chiến tranh, ông Nguyễn Văn Dùm, cựu chiến binh xã Long Nguyên bồi hồi xúc động, nói: “Đây là nơi mà Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay B52 tham chiến tại Việt Nam. B52 đã thả nhiều đợt bom nhằm hủy diệt các đơn vị chủ lực miền, căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh Thủ Dầu Một và sát hại người dân vô tội. Mục đích của việc ném bom lần này Mỹ muốn xem kết quả của B52 Mỹ sản xuất và lần đầu sử dụng trên thế giới. Đồng thời, chúng muốn đánh vào tinh thần của quân và dân ta và hỗ trợ cho lực lượng quân đổ bộ của Mỹ tiến vào miền Nam Việt Nam. Nhưng với sự đồng lòng, nhất trí, quân dân ta đồng lòng đoàn kết đứng lên chiến đấu và giành thắng lợi”.
Căn cứ Long Nguyên nối liền Núi Cậu và tiếp giáp Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Do có vị trí chiến lược, trong hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Long Nguyên từng là nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng: Khu ủy Miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, cơ quan huyện Bến Cát; các lực lượng vũ trang: Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 301. Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng... |
Chiến khu Long Nguyên trước kia bao gồm một vùng rộng lớn, thuộc các xã Long Nguyên huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng) và xã Long Tân, Long Hòa huyện Dầu Tiếng. Nơi từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Anh Phan Hồng Toàn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng chia sẻ: “Là thế hệ trẻ của xã Long Tân hôm nay, khi đứng trước Khu bia di tích máy bay B52 tại ấp Hốc Măng, bản thân tôi không khỏi xúc động và tự hào. Đây là nơi ghi dấu một trang sử hào hùng, nơi máu xương của các thế hệ cha anh đã thấm xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Khu di tích không chỉ là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi về trách nhiệm tiếp nối và phát huy truyền thống ấy. Trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, tuổi trẻ Long Tân xác định rõ vai trò tiên phong của mình: Không ngừng học tập, sáng tạo, sống trách nhiệm với cộng đồng, xung kích trên mọi mặt trận, từ lao động sản xuất, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường đến xây dựng thế trận lòng dân vững chắc...”.
Chiến khu Long Nguyên hôm nay không còn tiếng súng, nhưng tinh thần bất khuất của một thời khói lửa vẫn đang thấm vào từng tấc đất, từng con người nơi đây. Huyện Bàu Bàng, một vùng đất anh hùng đang vươn mình mạnh mẽ trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Nguyên đang viết tiếp những trang sử vàng trên con đường xây dựng quê hương. Trong những năm qua, xã Long Nguyên tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025. Xã cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn xã chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025. Kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng theo từng năm, hiện tại trên địa bàn xã có 34 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực, như: Sản xuất gạch ngói, chế biến gỗ, mủ cao su, hạt điều, thùng giấy, chăn nuôi... toàn xã hiện có 108 trại chăn nuôi, 480 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 1 công ty trồng bưởi da xanh được chứng nhận VietGAP.
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện khá đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, đời sống nhân dân trong xã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Xã cũng đã huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công cách mạng và các đối tượng khác. Báo cáo năm 2024 cho thấy tổng số hộ nghèo toàn xã cuối năm 2024 là 20 hộ trên 3.750 hộ nhân dân thường trú của xã (chiếm tỷ lệ 0,53%), số hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh còn 5 hộ (chiếm tỷ lệ 0,13%); không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Trung ương. Trên địa bàn xã có 4 trường học công lập và điều đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/ người/năm…
Có thể nói, Chiến khu Long Nguyên là minh chứng cho sức mạnh vô song của lòng yêu nước, sự đoàn kết, sáng tạo và ý chí chiến đấu kiên cường của quân dân Việt Nam. Từ nơi từng là “túi bom, chảo lửa” trong chiến tranh, giờ đây Long Nguyên đang hồi sinh mạnh mẽ trong hòa bình, như một khúc tráng ca bất tận giữa lòng miền Đông Nam bộ.
Còn tiếp
NGỌC NHƯ - THANH TUYỀN